Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Ba Lan đã chỉ trích mạnh mẽ việc xây dựng đường ống trên khi cho rằng việc này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của Đức và EU vào Nga trong việc cung cấp khí đốt. Pháp mặc dù ít chỉ trích gay gắt hơn nhưng cũng bày tỏ sự quan ngại.
"Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi có những nghi ngại sâu sắc về dự án này trong bối cảnh hiện nay", ông Beaune nhận định với kênh phát thanh France Inter.
Khi được hỏi liệu Paris có muốn Berlin rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, Bộ trưởng Beaune đã trả lời rằng: "Thực sự thì chúng tôi đã nói về việc này".
Lời kêu gọi trên của Pháp với Đức diễn ra sau khi nhân vật đối lập người Nga Navalny bị bắt sau khi trở về nước.
"Các lệnh trừng phạt được áp đặt và chúng tôi đã có thể thực hiện điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi phải nói rõ rằng, điều này vẫn chưa đủ. Phương án về Dòng chảy phương Bắc 2 đang được cân nhắc", ông Beaune cho hay, song cũng thừa nhận rằng: "Đây là quyết định của Đức bởi đường ống đó ở Đức".
Nghị viện châu Âu cũng đề nghị cần hoãn việc xây dựng đường ống này ngay lập tức.
Berlin đang yêu cầu thả ông Navalny nhưng hôm 1/2, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là Martina Fietz đã khẳng định rằng, chính phủ nước này không thay đổi lập trường về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Người phát ngôn Fietz cho biết bà "chưa có thông tin cập nhật mới nhất" về dự án này, vốn được Thủ tướng Merkel ủng hộ mạnh mẽ.
"Chính phủ không thay đổi lập trường căn bản", bà Fietz nhận định với báo giới.
Các hoạt động liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được nối lại hồi tháng 12 sau gần 1 năm trì hoãn do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom - nhà đầu tư chính của dự án này cho biết dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thiện 94%.
Dòng chảy phương Bắc 2 bao gồm 2 đường ống, mỗi đường ống dài khoảng 1.230 km, dự kiến sẽ vận chuyển hàng chục tỷ mét khối khí tự nhiên từ Nga sang Đức mỗi năm./.