Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã xem lực lượng người Kurd là mối đe dọa an ninh quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi về cuộc tấn công bằng tên lửa khiến một binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vào ngày 27/8.

Từ tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã mang quân tiến sâu vào lãnh thổ Syria , tại các khu vực mà Lực lượng dân chủ Syria (SDF) (lực lượng do Mỹ hậu thuẫn) đang kiểm soát. 

tho_nhi_ky_inwo_zydh.jpg
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. (Ảnh: AP).

Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm tiêu diệt những tay súng người Kurd liên minh với SDF. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngày 28/8, lực lượng nước này đã 25 tay súng người Kurd.

Sốt ruột kêu gọi 2 bên tập trung đánh IS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc rằng: “Chúng tôi kêu gọi cả 2 bên không đánh lẫn nhau, mà nên tiếp tục cuộc chiến nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: AFP)

Còn Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes lại cho rằng, xa hơn, những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm suy yếu nỗ lực tạo nên một “mặt trận thống nhất” để chống lại IS.

Những động thái mới của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động của SDF trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chỉ cách đây vài tuần, Lầu Năm Góc đã ca ngợi chiến thắng của SDF trước IS tại thị trấn Manbij, cách biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30km.

Bộ trưởng Quốc phòng Carter ngày 29/8 nhấn mạnh, Mỹ không có sự thay đổi chiến lược nào, cả SDF và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Syria.

Lầu Năm Góc hy vọng các lực lượng Syria do Mỹ hậu thuẫn có thể chiếm lại thành phố Raqqa từ tay tổ chức khủng bố IS.

“Xoa dịu” Thổ Nhĩ Kỳ để xuống thang xung đột

Ông Carter nói: "Chúng tôi hiểu rằng họ (quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng người Kurd) có sự khác biệt lịch sử với nhau nhưng mối quan tâm của Mỹ là rất rõ ràng. Chúng tôi cũng như họ, đều muốn chống lại IS và chúng tôi đang kêu gọi hai bên hãy dành ưu tiên cho việc đó”.

Các chuyên gia cho rằng kịch bản tốt nhất là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận xuống thang xung đột, cùng với sự đảm bảo từ phía Mỹ rằng Lực lượng dân quân tự vệ người Kurd (YPG) sẽ rút về phía đông của sông Euphrates.

Chính quyền Ankara đang muốn ngăn chặn lực lượng người Kurd mở rộng sự kiểm soát của họ tiến dần về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. 

Bộ trưởng Carter đã cho biết, dòng sông Euphrates sẽ là rào chắn tự nhiên để tách biệt Thổ Nhĩ Kỳ với các tay súng YPG, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, các tay súng YPG thực tế đã rút quân.

“Những gì mà chúng ta có thể thực hiện lúc này là làm rõ nơi nào mà các tay súng YPG và SDF có thể xuất hiện và không thể xuất hiện”, ông Carter nói.

Trong cuộc gọp báo ngày 29/8, Bộ trưởng Carter đồng thời ca ngợi những tiến bộ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại IS trong tuần qua, đặc biệt là việc lấy lại thị trấn Jarablus.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là nơi đặt các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ và NATO, bao gồm căn cứ không quân Incirlik. Từ căn cứ không quân này, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại IS ở Syria.

Dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc gặp gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào hôm 4/9 tới./.