Các quan chức Mỹ bày tỏ sự hài lòng với kế hoạch này và kêu gọi người dân Ai Cập tận dụng cơ hội để giới thiệu dự thảo và bỏ phiếu thông qua một Hiến pháp mới cũng như bỏ phiếu bầu Quốc hội và Tổng thống mới trong vài tháng tới.

bieu-tinh-ai-cap.jpg
Một người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi bị bắn chết trong một cuộc đụng độ ở Cairo ngày 5/7 (Ảnh: Press TV)

Chính quyền Obama cho đến nay vẫn từ chối gọi việc lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi như là một cuộc đảo chính, với lý do vẫn còn đang xem xét về mặt pháp lý. Các quan chức Mỹ cũng cho biết họ sẽ không đình chỉ kế hoạch hỗ trợ 1,5 tỷ USD hàng năm cho Ai Cập, trong đó có 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ người dân Ai Cập trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ, để họ có thời gian cần thiết đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định”.

Ông Carney cho biết chính quyền Mỹ muốn làm việc với tất cả các bên để mở đường cho tiến trình hòa giải, đồng thời khẳng định Washington ủng hộ kế hoạch chuyển tiếp mà Ai Cập giới thiệu.

Ông Carney nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia vào một cuộc đối thoại về tiến trình chuyển giao bởi chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này là phải thông qua một quá trình mang tính tổng thể với sự tham gia của tất cả mọi người”.

Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống lâm thời Adli Mansour về soạn thảo lại Hiến pháp, tổ chức trưng cầu dân ý trước khi tổ chức bầu cử Quốc hội trong vòng 6 tháng và bầu ra một tổng thống mới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/7, Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm với với các nhà lãnh đạo của Qatar và UAE về những vấn đề nóng cần giải quyết ở Ai Cập hiện nay.

UAE, quốc gia được cho là đối thủ của Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo cùng với Saudi Arabia đã hứa tài trợ cho Ai Cập 8 tỷ USD như là phần thưởng cho quân đội nước này sau khi họ lật đổ ông Morsi.

Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Obama khuyến khích Thái tử Abu Dhabi, Zayed Al Nahyan, đôn đốc giới chức quân sự của Ai Cập để tiến tới hòa giải và đối thoại.

Ông Obama cũng bày tỏ “lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Ai Cập” với Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, và đồng ý cho rằng việc sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng kêu gọi Tổ chức Anh em Hồi giáo tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực nhưng từ chối trả lời khiếu nại của nhóm này về việc họ đã giành chiến thắng hợp pháp trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng trước khi bị lật đổ bằng vũ trang.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích nhóm Anh em Hồi giáo tham gia vào quá trình này. Chúng tôi biết điều đó không dễ dàng nhưng sẽ tiếp tục khuyến khích họ”.

Bà Psaki cho biết, hôm 8/7,  Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng Abdel-Fattah el-Sissi, và nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Mohamed El Baradei, người mới được chọn làm Phó Chủ tịch tạm thời.

Sau khi lực lượng an ninh Ai Cập đã giết chết 51 người biểu tình ủng hộ ông Morsi, giới chức Mỹ đã kêu gọi quân đội nước này "kiềm chế tối đa" để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự./.