Ngày 22/6, Mỹ  tiếp tục thách thức hệ thống thương mại toàn cầu với việc thông báo với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rằng các phán quyết phúc thẩm trong các vụ tranh chấp thương mại có thể bị phủ quyết nếu quá 90 ngày cho phép.

Tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại WTO, Dennis Shea được cho là lời đe dọa vô hiệu hóa 1 yếu tố thực thi thương mại của WTO đó là cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc vốn được coi là một biện pháp chống chủ nghĩa bảo hộ.

shea_tchw.jpg
Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea. Ảnh: Sina.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu 20% đối với ô tô sản xuất ở Liên minh Châu Âu (EU). Đại sứ Shea nhấn mạnh, các phán quyết của Cơ quan phúc thẩm của WTO sẽ không có giá trị nếu quá trình phúc thẩm dài hơn thời gian quy định là 90 ngày. 

Các phán quyết của WTO thường được đưa ra muộn hơn so với quy định vì theo tổ chức này, các vụ tranh chấp liên tục tiễn ra và phức tạp. Ngoài ra, quá trình xử lý cũng bị chậm lại do Tổng thống Donald Trump đang cản trở việc chỉ định các thẩm phán mới trong Cơ quan phúc thẩm của WTO.

Tại cuộc họp ngày 22/6, Mỹ tiếp tục phản đối việc chỉ định các thẩm phán, đồng thời cho biết sẽ phủ quyết việc tái chỉ định một thẩm phán trong Cơ quan phúc thẩm.

Việc này có thể khiến Cơ quan phúc thẩm không xử lý được các tranh chấp do chỉ có 3 thẩm phán, con số tối thiểu cho mỗi vụ tranh chấp. Hiện 66 quốc gia thành viên WTO trong đó có cả đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đều ủng hộ khuyến nghị yêu cầu Mỹ cho phép việc chỉ định các thẩm phán được tiến hành./.