Chuyến thăm được cho là nhằm trấn an và xoa dịu lo ngại của các đồng minh trong khu vực, sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump "muốn đưa binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước", đồng thời khẳng định Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong khi tiếp tục đàm phán với Triều Tiên. 

moon_pompeo_hvga.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sáng 14/6. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/6 có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul để thảo luận về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngay sau đó, ông Pompeo cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. Tại cuộc gặp, ba nước nhất trí hợp tác để đảm bảo rằng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Cuộc gặp 3 bên diễn ra sau tuyên bố của Mỹ dừng tập trận quân sự với Hàn Quốc trong khi đàm phán với Triều Tiên, có thể khiến một số quốc gia đồng minh của Mỹ lo ngại. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc có lịch sử lâu đời, với các cuộc tập trận quân sự qui mô lớn diễn ra hàng năm như Đại Bàng Non, Người bảo vệ tự do Ulchi hay Thần Sấm.

Các cuộc tập trận này thường được cho là bằng chứng rõ ràng nhất về việc Mỹ thực hiện cam kết với an ninh của các đồng minh trong khu vực. Trong khi đó, năng lực phòng thủ của quân đội Hàn Quốc cũng phụ thuộc khá nhiều vào khả năng phối hợp với quân đội Mỹ tại nước này, cũng như sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. Chính vì vậy, dù ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, nhưng quyết định dừng tập trận quân sự của Mỹ có thể khiến chính giới Hàn Quốc lo ngại.

Điều này được thể hiện khá rõ trong tuyên bố hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không đề cập vấn đề dừng tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Dư luận cũng lo ngại quyết định của Mỹ có thể là cái cớ cho các nhóm đối lập tại Hàn Quốc chỉ trích lập trường của Chính phủ khi đánh đổi “an ninh” quốc gia để nhận được sự nhượng bộ từ Triều Tiên.

Ngoài Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại về quyết định này của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, đóng vai trò "quan trọng sống còn" đối với an ninh Đông Á.

Trước mối lo ngại của các đồng minh, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Hàn Quốc được cho là nhằm xoa dịu lo ngại của các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như “tìm cách đạt được một hiểu biết chung với hai nước về vấn đề này”. Bởi thế, phát biểu trước khi tới Seoul, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo, Mỹ có thể nối lại việc tập trận với Hàn Quốc nếu Triều Tiên không thể hiện thiện chí trong đàm phán.

Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 13/6 về khả năng giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh: “Thực tế vấn đề giảm quân đội Mỹ tại Hàn Quốc chưa bao giờ được đưa ra trên bàn đàm phán với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mỹ có 32 nghìn binh lính tại Hàn Quốc. Tôi mong muốn rút họ về nước. Đó là điều tôi muốn, nhưng không được  thảo luận trên bàn đàm phán hiện nay. Điều này sẽ được thực hiện vào một thời điểm thích hợp”.

Với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump “Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa”, cùng bầu không khí tích cực hiện nay trên bán đảo Triều Tiên cho thấy, nguy cơ chiến tranh đang được dần loại bỏ. Vì vậy, Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm qua cũng để ngỏ khả năng tạm ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ như một động thái ủng hộ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang diễn ra.

Phía Hàn Quốc cho rằng, chừng nào các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang diễn ra, Hàn Quốc cần cân nhắc biện pháp để giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại này./.