Ngày 23/7, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ An ninh Nội địa Mỹ công bố báo cáo cho biết, chính phủ Triều Tiên thu được ngoại tệ qua việc đánh thuế vào kiều hối mà người lao động Triều Tiên từ nước ngoài gửi về.

kim_jong_un_and_donald_trump_770x433_rtpw.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 6. Ảnh: Money Control

Hiện có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận lao động Triều Tiên, trong đó, Trung Quốc và Nga có số lao động Triều Tiên nhiều nhất. Chính phủ Mỹ khuyến cáo rằng, các tập đoàn tuyển dụng nhân công là lao động Triều Tiên có thể chịu lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc Liên Hợp Quốc. Báo cáo cũng cho biết, một trong những “thủ thuật” né lệnh trừng phạt là gắn sản phẩm dệt may sản xuất ở Triều Tiên là sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc - “Made in China”.

Tháng 12/2017, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã thông qua Nghị quyết yêu cầu toàn bộ lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài hồi hương trong vòng 2 năm. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên cho tới khi nước này phi hạt nhân hóa.

Giới quan sát cho rằng, tuyên bố vừa nêu được xem là nỗ lực nhằm gây sức ép với Trung Quốc và Nga về việc đưa lao động Triều Tiên về nước, phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc./.