Gần như có một điều mà nhiều người mặc định: Mỹ là siêu cường hàng đầu, có năng lực tung ra sức mạnh quân sự khổng lồ lên bất cứ kẻ thù nào, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu trên thế gian.
Nhưng thế giới đã thay đổi. Nga và Trung Quốc đều đã củng cố sức mạnh quân sự ở những mảng trọng yếu, riêng Trung Quốc còn có những bước tiến chưa từng có tiền lệ.
Chỉ đủ phòng vệ và đương đầu với 1 cường quốc lớn
Theo một báo cáo của Quỹ Di sản (Mỹ), quân đội Mỹ vẫn chưa được cung cấp đủ tài chính nếu họ muốn phát động một cuộc chiến dài lâu với các đối thủ như Nga và Trung Quốc cùng một lúc.
Cây bút Richard Sisk (thuộc chuyên trang quân sự Military.com) viết rằng báo cáo của quỹ trên kêu gọi tăng thêm quân, máy bay, tàu chiến, và các thiết bị công nghệ cao cho quân đội Mỹ vì lực lượng này mới chỉ bằng 2/3 so với quy mô cần có.
Trong báo cáo thường niên “Chỉ số Sức mạnh quân sự của Mỹ”, Quỹ Di sản cho rằng “quân đội Mỹ hiện nay chỉ vừa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ”.
Quỹ này thực hiện sự đánh giá dựa trên “ năng lực của các lực lượng vũ trang Mỹ trong giao chiến và đánh bại 2 đối thủ chính cùng một lúc”. Quỹ nhận định, quân đội Mỹ hiện chỉ đủ sức đương đầu với một đối thủ chính.
Dakota Wood – một cựu trung tá về hưu hiện làm cho Quỹ Di sản, nói: “Tất cả đều liên quan tới tiền bạc. Chúng ta đã thực sự đầu tư dưới mức cần thiết trong một số năm”.
Chỉ số của Quỹ Di sản đánh giá sức mạnh quân sự của các quân chủng Mỹ, với một thang 5 bậc gồm “rất yếu”, “yếu”, “trung bình”, “mạnh”, và “rất mạnh”.
Trang Military.com cho hay mức xếp hạng của Quỹ Di sản cho Lục quân, Không quân, và Thủy quân lục chiến Mỹ là ở mức “trung bình” nhưng xếp hạng cho Hải quân Mỹ có xu hướng ở mức độ “yếu”, dựa trên số lượng tàu, tuổi thọ, và thời gian cần thiết để sản xuất thêm các vũ khí này.
Ông Wood cũng miêu tả một sự thật rành rành về tương quan lực lượng hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện có khoảng 300 chiến hạm, và “một nửa trong số tàu này có tuổi đời hơn 20 năm”.
Đã vậy, ông Wood cho biết, trong tổng số 300 tàu hải quân này, “chỉ có 100 chiếc là sẵn sàng thường trực hàng ngày”.
“Trong số 100 chiếc đó, có lẽ khoảng 60 chiếc được triển khai ở Tây Thái Bình Dương, như vậy chỉ có 60 tàu Mỹ đối diện với hạm đội gồm 350 tàu của Trung Quốc, và số lượng này đang nhanh chóng tăng lên mức 400 trong các năm tới”.
Trung Quốc hướng mạnh ra biển, đầu tư cho cả tên lửa chiến lược
Ngoài ra, còn có sự “bất đối xứng khó tin” ở vùng Tây Thái Bình Dương xét trên khía cạnh tên lửa.
Trang National Defense dẫn lời Đô đốc Mỹ Philip Davidson phát biểu như sau: “Năm nay Trung Quốc sẽ thử thêm nhiều tên lửa, cả loại thông thường và loại có năng lực gắn đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn bất cứ các nước nào khác cộng lại trên hành tinh này”.
Vẫn lời Đô đốc Davidson: “Họ đang tạo ra các nền tảng rất hiện đại cùng các hệ thống vũ khí đi kèm các nền tảng đó, trong lĩnh vực hải quân, không quân, và cả tên lửa nữa... Điều đó tạo ra mối đe dọa đối với các mối quan ngại về an ninh của họ không chỉ dọc theo biên giới mà còn dọc theo toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất” (tức các quần đảo chính nhô ra từ bờ biển lục địa Đông Á).
Cũng phát biểu tại Diễn dàn Halifax, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cho rằng Trung Quốc trong thập kỷ qua đã xoay trục sang các vùng biển.
Ông Braithwaite nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “đã nhận thấy rằng tất cả các cường quốc hàng đầu của thế giới đều là các quốc gia biển”.
“Trước đó quân đội Trung Quốc thiên về lấy đất liền làm trung tâm. Giờ thì họ không còn theo đuổi cách tiếp cận này nữa. Giờ họ có nhiều chiến hạm hơn bất cứ nước nào trên thế giới”.
National Defense thông tin, hải quân Mỹ đang đánh giá một số lựa chọn khác nhau để định vị bản thân ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Đô đốc Braithwaite nói: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng bất cứ quốc gia nào cùng niềm tin với chúng tôi thì sẽ nhận thức được rằng chúng tôi sẵn lòng bảo vệ lợi ích của họ tương tự như lợi ích của chúng tôi, và điều này được thực hiện thông qua tự do hàng hải, hàng không”./.