Đây được đánh giá là một trong những vụ tấn công lớn nhất từ trước tại nay tại Mỹ và có thể gây ra những tác động mang quy mô toàn cầu. Kaseya là công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 40.000 khách hàng.
Trước quy mô và mức độ của vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (3/7) đã chỉ thị các cơ quan tình báo Mỹ điều tra, đồng thời khẳng định Washington sẽ đáp trả nếu xác định được thủ phạm tấn công. Trước những thông tin cáo buộc Nga đứng sau, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định dù chưa chắc chắn, song suy nghĩ đầu tiên của ông là vụ việc không liên quan đến chính phủ Nga.
“Hiện chúng ta chưa thể chắc chắn thủ phạm thực sự của vụ tấn công. Tuy nhiên tôi đã huy động toàn bộ nguồn lực của chính phủ để hỗ trợ phản ứng. Cơ quan tình báo Mỹ sẽ thông tin cụ thể hơn cho tôi trong những ngày tới. Mỹ sẽ phản ứng nếu xác định rõ Nga có liên quan đến vụ việc. Tôi chưa có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Putin. Nhận định ban đầu cho thấy không liên quan đến chính phủ Nga nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn", ông Biden nói.
An ninh mạng cũng là một trong những nội dung chính tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6/2021.
Hiện chưa thể tính toán được hết mức độ ảnh hưởng của cuộc tấn công do phần mềm “đòi tiền chuộc” (Ransomware) gây ra. Dù Kaseya khẳng định đã giới hạn vụ tấn công ở một tỷ lệ rất nhỏ chưa đến 40 khách hàng trên thế giới, song chính những công ty này lại cung cấp dịch vụ cho các công ty khác và tạo cơ hội cho tin tặc tấn công. Theo Công ty về an ninh mạng Huntress Labs, phần mềm trên đã bị thao túng để mã hóa hơn 1.000 công ty.
Trong dấu hiệu đầu tiên cho thấy tác động toàn cầu của vụ tấn công, một chuỗi siêu thị lớn tại Thụy Điển hôm qua đã phải đóng cửa hơn 800 cửa hàng khi hệ thống kiểm tra bị “sập”. Chuyên gia an ninh mạng Brett Callow của Emsisof thì cho biết, dù hiện không có dữ liệu về số công ty liên quan, song quy mô của cuộc tấn công có lẽ là “vô tiền khoáng hậu”.
Những cuộc tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc có dấu hiệu gia tăng tại Mỹ trong những tháng gần đây, với mục tiêu là những công ty lớn như gã khổng lồ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm JBS hay nhà điều hành đường ống dẫn đầu Colonial Pipeline, cũng như các cộng đồng địa phương và các bệnh viện. Theo Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki, chính phủ Mỹ coi đây là một mối quan ngại an ninh quốc gia và sẽ phải tập trung giải quyết trong thời gian tới:
“Tổng thống Joe Biden coi các cuộc tấn công bằng phầm mềm đòi tiền chuộc là một mối lo ngại về an ninh quốc gia đang gia tăng và là lĩnh vực mà nước Mỹ phải tiếp tục tập trung giải quyết. Chắc chắn đây là một ưu tiên và là một lĩnh vực mà chính phủ sẽ dành một phần lớn thời gian và nỗ lực trong những tháng tới", Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki nói.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng, Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) chịu trách nhiệm điều tra và giải quyết vụ việc đã kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện hướng dẫn của Kaseya và nhanh chóng tắt máy chủ để tránh hệ thống bị tấn công./.