Trước tình hình dịch Ebola diễn biến nghiêm trọng, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa tối đa, trong đó có cả việc ban bố cảnh báo hạn chế đi lại đối với những người đến từ vùng dịch Ebola, bao gồm cả các nhân viên y tế. Tuy nhiên, biện pháp này đang gây tranh cãi do gây khó khăn cho các tình nguyện viên trong cuộc chiến chống Ebola.

Ngày 29/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chính thức phê chuẩn quy định cách ly 21 ngày đối với số lính Mỹ trở về căn cứ sau khi tham gia dập dịch Ebola tại các nước châu Phi.

chuck_hagel_on_ebola_ap_650_rndw.jpg Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh AP)

Phó Đô đốc John Kirby cho biết quyết định được đưa ra dựa trên đề nghị của các chỉ huy quân sự Mỹ, trong bối cảnh giới chức và người dân Mỹ có những quan điểm khác biệt về quy định cách ly những bác sỹ, nhân viên y tế và tình nguyên viên Mỹ trở về từ các nước “ổ dịch” Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon trước đó cho rằng, các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với những người trở về từ vùng dịch Ebola đang gây khó khăn cho những nhân viên y tế làm việc tại đây.

Ngày 29/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh, những tình nguyện viên trong cuộc chiến chống Ebola cần phải được đảm bảo về mặt pháp lý trong việc trở về nước một cách an toàn và được điều trị nếu bị lây nhiễm.

Bà Merkel nói: “Điều quan trọng nhất là phòng ngừa, là cần phải ngăn chặn mọi người khỏi bị lây nhiễm. Tuy nhiên, đối với tôi, việc đảm bảo an toàn cho những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm do đến các quốc gia ổ dịch Ebola, thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để gửi một thông điệp rõ ràng đến các tình nguyện viên: nếu bạn bị lây nhiễm, bạn sẽ được đưa về nước một cách an toàn”.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tốc độ lây nhiễm Ebola ở Liberia đang chậm lại do số ca nhiễm mới không tăng trong khi tỷ lệ người chết và nằm viện giảm.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO Bruce Aylward cho biết có xu hướng giảm tốc độ lây lan dịch Ebola ở Liberia nhưng hiện còn quá sớm để nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát ở quốc gia Tây Phi này.

Ông Bruce Aylward nói: “Tôi cho rằng chúng ta nên lạc quan một cách thận trọng rằng, tỉ lệ nhiễm mới Ebola đang chậm lại bởi trên thực tế, tại một số nơi như Gekedu thì, tỉ lệ nhiễm mới Ebola đã có lúc tăng, lúc giảm”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca nhiễm Ebola ở Tây Phi hiện lên tới 13.000 trường hợp, trong đó có gần 5.000 người đã tử vong. Mặc dù cả hai số liệu này đều tăng so với những thông báo trước đó nhưng không phải do có thêm trường hợp lây nhiễm và tử vong mới, mà là một số trường hợp không được báo cáo đầy đủ./.