Trước tình hình dịch bệnh Ebola diễn biến ngày một nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa tối đa, nhằm ngăn chặn dịch Ebola xâm nhập. 

Kenya, cửa ngõ giao thương quan trọng trong khu vực châu Phi, một trong các quốc gia được Tổ chức y tế thế giới xếp vào danh sách các quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola, hiện đang tiến hành chiến dịch sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Chính phủ Kenya đang cho triển khai chiến dịch giúp người dân nâng cao nhận thức và biết cách phòng ngừa dịch bệnh Ebola. Bộ Y tế Kenya đã chuẩn bị các trung tâm cách ly và huấn luyện 10 000 nhân viên y tế trên cả nước để ứng phó kịp thời khi cần thiết.

140726_ebola_liberia_2152_1218df7e8ea13da2b438e03064a8e714_lbvo_sies.jpgCác nhân viên y tế phòng chống dịch Ebola (Ảnh AP)

Ngày 28/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho Bộ Y tế tiến hành họp nội các để thảo luận về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Ebola. Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, cuộc họp trên nhằm nâng cao các biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang lan rộng. Thủ tướng Abe đã yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Ebola.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng ban bố cảnh báo hạn chế đi lại đối với những người đến từ vùng dịch Ebola, trong đó có cả các nhân viên y tế. Chính phủ Australia quyết định ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người dân đến từ các quốc gia Tây Phi là ổ dịch của Ebola.

Bộ trưởng nhập cư và bảo vệ biên giới Australia Scott Morrison cho biết: “Chính phủ muốn kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh đối với những người đến Australia từ Tây Phi. Các biện pháp này bao gồm việc tạm thời đình chỉ chương trình nhập cư, bao gồm cả chương trình nhân đạo đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus Ebola và điều này có nghĩ là chúng tôi sẽ không giải quyết bất kỳ đơn xin cấp thị thực nào từ các quốc gia này.”

Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 27/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng, các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với những người trở về từ vùng dịch Ebola đang gây khó khăn cho những nhân viên y tế làm việc tại đây.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Satéphane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng những biện pháp hạn chế đi lại này đang gây ra áp lực lớn đối với các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu của cuộc chiến chống Ebola.

Những nhân viên y tế trở về từ vùng dịch cần phải là những trường hợp ngoại lệ, không nên là đối tượng của các biện pháp hạn chế này. Họ cần được hỗ trợ, chứ không phải là bị kỳ thị. Cách tốt nhất để bảo vệ một quốc gia khỏi dịch Ebola là ngăn chặn dịch bệnh bùng phát từ vùng dịch”.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện đã có 450 nhân viên y tế bị nhiễm Ebola, trong đó có 244 người đã tử vong./.