Điều này mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân mắc Ebola và công cuộc chống dịch trên toàn cầu.
Trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta, nữ y tá Vinson, 29 tuổi cảm ơn các bác sỹ đã mang lại cho cô sự sống. Cô kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chống đại dịch Ebola ở Tây Phi.
“Đây là một ngày vui, nhưng tôi kêu gọi tất cả chúng ta không quên việc vẫn còn hàng nghìn gia đình đang phải vật lộn dưới sức ép của căn bệnh khủng khiếp này tại Tây Phi", y tá Vinson nói.
Trước đó đồng nghiệp của Vinson là Nina Phạm cũng đã xuất viện sau khi bình phục hoàn toàn. Cả hai đều điều trị cho bệnh nhân người Liberia Thomas Eric Duncan tại một bệnh viện ở Texas.
Bất chấp những tiến bộ trong việc chữa trị Ebola, việc các nhân viên y tế nhiễm virus Ebola khiến người dân Mỹ và một số chính quyền bang hết sức lo ngại.
Thống đốc bang New Jersey Chris Christie tuyên bố giữ biện pháp theo dõi nghiêm ngặt số nhân viên y tế vừa trở về Mỹ từ "vùng dịch" ở Tây Phi, bằng cách cho cách ly tại trung tâm y tế trong 3 tuần.
Bang Illinois cũng đã thông báo biện pháp tương tự. Riêng bang Florida còn yêu cầu kiểm tra tình trạng sức khỏe các nhân viên y tế 2 lần mỗi ngày trong suốt thời gian cách ly bắt buộc.
Tuy nhiên, những quy định này được cho là nằm ngoài luật lệ của Liên bang và đối mặt với những chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế. Giới chức Nhà Trắng cho rằng, các quy định khắt khe như vậy không phải là lựa chọn tốt nhất, bởi nó gây phiền toái cho những người nghi bị nhiễm và làm thoái chí các nhân viên y tế muốn chung tay chống lại đại dịch Ebola.
Trong bài phát biểu ngày 28/10, Tổng thống Barack Obama khẳng định, Mỹ không muốn cản trở các nhân viên y tế tới Tây Phi chiến đấu chống Ebola. Ca ngợi những đóng góp của các nhân viên đặc biệt trong Đội phản ứng thảm họa của Mỹ về Ebola ở Tây Phi, Tổng thống Obama cho rằng, các quan chức Mỹ cần hiểu rõ về Ebola và cách phòng chống một cách khoa học chứ không chỉ đơn thuần lo sợ về sự lây nhiễm.
"Những nhân viên y tế đến Tây Phi từ đầu tháng 8 là trụ cột của chiến lược và các hoạt động phòng chống Ebola của Mỹ. Họ đã phát động một chiến dịch tích cực tại các nước có dịch. Những công việc mà họ làm đã phát huy tác dụng như tại Liberia, nơi cơ sở hạ tầng y tế được xây dựng. Điều này có được là nhờ vào những cống hiến của đội ngũ nhân viên y tế của Mỹ-những người đang dẫn đầu trong việc giúp Liberia, Guinea, Sierra Leone phòng chống dịch Ebola”, ông Obama nói.
Cùng ngày, người đứng đầu Phái bộ Liên Hợp Quốc phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới không nên ngăn chặn nhân viên y tế đến các nước Tây Phi để giúp phòng chống Ebola: “Các quyết định được đưa ra cần phải dựa trên khoa học và thực tế chứ không phải là sự hoảng sợ. Các quyết định này cũng nên được thực hiện theo cách sẽ thúc đẩy sự ứng phó nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi. Việc ngăn cản nhân viên được đào tạo từ nước ngoài đến Tây Phi tham gia cuộc chiến chống Ebola sẽ rất đáng tiếc”.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim kêu gọi ít nhất 5.000 nhân viên y tế quốc tế tình nguyện tới Tây Phi chống Ebola.
Trước áp lực từ Nhà Trắng và quốc tế, chính quyền bang New York, ngày 28/10 đã cho nới lỏng các quy định nghiêm ngặt đối với những hành khách bay đến Mỹ từ Tây Phi, chấm dứt thời gian cách ly bắt buộc đối với những người không tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Thống đốc New York Andrew Cuomo nêu rõ, các nhân viên y tế hoặc những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Ebola tại các nước Tây Phi sẽ trải qua quá trình cách ly tại nhà trong vòng 21 ngày, thay vì tại các trung tâm như tuyên bố trước đó.
Trong thời gian này, những người bị cách ly sẽ nhận được hỗ trợ về thực phẩm, thuốc men, thậm chí tài chính và vẫn có thể gặp người thân. Tuy nhiên, hàng ngày giới chức bang sẽ kết hợp với giới chức y tế tiến hành kiểm tra không báo trước nhằm đảm bảo những người bị cách ly tuân thủ chặt chẽ quy định đề ra.
Trong khi đó, những người đến hoặc trở về từ vùng dịch nhưng không tiếp xúc với người bệnh sẽ không cần thực hiện biện pháp cách ly mà được nhân viên y tế theo dõi trong ít nhất 21 ngày và kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày.
Để tạo thuận lợi cho quá trình giám sát, giới chức y tế bang sẽ sắp xếp phương tiện di chuyển những người trong diện theo dõi đến các cơ sở y tế và chính quyền bang sẽ chi trả mọi phí tổn liên quan.
Như vậy, với những tiến bộ trong công cuộc điều trị Ebola, đang có những hy vọng dịch bệnh sẽ được khống chế trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca tử vong do Ebola trên thế giới đã lên đến 4.922 người trong tổng số 10.141 người bị nhiễm Ebola./.