Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 26/4, bà Ellen Lord, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần cho rằng, điều này là “một mối đe dọa lớn” đối với an ninh quốc gia. Theo bà, Mỹ đã chuyển giao gần 1/4 kho dự trữ tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine.
Bà Ellen Lord cảnh báo rằng việc Mỹ thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì năng lực sản xuất có thể dẫn đến sự trì hoãn bổ sung vũ khí từ 3 đến 5 năm. Bà cũng viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng và cho biết, đạo luật này cho phép Lầu Năm Góc “cung cấp kinh phí cho ngành công nghiệp vũ khí để đào tạo lực lượng lao động hoặc phát triển chuỗi cung ứng”, nhấn mạnh rằng “đây là vấn đề quan trọng cần phải được thúc đẩy”.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Jack Reed, đã hối thúc chính quyền Biden và ngành công nghiệp quốc phòng cải thiện đáng kể cách tiếp cận để xác định nhu cầu quân sự. Ông nói: “Điều này đang được thử thách ở thời điểm hiện tại khi chúng ta nỗ lực lấp đầy kho dự trữ sau khi chuyển giao một lượng lớn vũ khí cho Ukraine”.
Còn ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nói rằng, ông hy vọng Washington sẽ giảm tốc độ chuyển giao tên lửa Javenlin cho Kiev. “Tôi nghĩ quân đội Mỹ cần phải điều tiết tốc độ bởi việc chuyển giao nhiều hơn cho Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho các kế hoạch ứng phó chiến tranh của chúng ta”.
Những lo ngại nói trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đã gửi một công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó khẳng định việc Mỹ và NATO giao các hệ thống vũ khí "nhạy cảm nhất" cho Ukraine đang "đổ thêm dầu vào lửa" xung đột.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nhiều lần khẳng định với các nhà lập pháp rằng kho dự trữ vũ khí vẫn chưa đến mức giới hạn. Ông Milley cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ “không phá vỡ bất kỳ ranh giới đỏ nào ”./.