Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả vũ khí hạt nhân trên thế giới cùng lúc được khai hỏa?
Đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân thường được đo bằng kiloton, hoặc TNT. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có đương lượng nổ 16 kiloton, hoặc 16.000 tấn TNT. Đầu đạn W-87 được gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III có đương lượng 300 kiloton. Bom hạt nhân B83 mà máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ mang theo có đương lượng nổ lên tới 1,2 megaton hoặc 1.200 kilotton.
Hiện có 9 nước trên thế giới tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, với số lượng tổng cộng lên tới 15.000 đầu đạn hạt nhân và con số này đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, Mỹ, Nga, Trung Quốc là những nước có vũ khí mạnh tới mức có thể nhắm vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.
Kurzgesagt - một kênh YouTube có trụ sở tại München, Đức, ước tính rằng, nếu số lượng đầu đạn hạt nhân nói trên được sử dụng để tấn công các thành phố lớn trên thế giới thì nó đủ sức cướp đi sinh mạng của 3 tỷ người.
Nếu chất tất cả đầu đạn hạt nhân vào một nhà kho rộng lớn và đặt trong khu rừng rậm ở Amazon thì khi chúng được kích nổ đồng loạt, sẽ tạo ra vụ nổ lớn với sức mạnh 3 tỷ tấn TNT. Điều này tương đương với 15 vụ phun trào núi lửa lớn giống vụ phun trào khủng khiếp của núi lửa Krakatoa năm 1883 từng làm rung chuyển cả thế giới với sức mạnh gấp hơn 10.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima.
Vụ nổ của nhà kho siêu lớn này sẽ tạo ra 1 quả cầu lửa bán kính 50km làm bốc hơi mọi thứ mà nó quét qua và tạo ra một làn sóng xung kích san phẳng 3.000km vuông, biến khu rừng thành bình địa. Mọi sự sống trong bán kính 250km sẽ bị thiêu rụi. Áp suất từ vụ nổ sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới trong những tuần tiếp theo. Đám mây hình nấm được tạo ra từ vụ nổ sẽ vươn tới các tầng cao của khí quyển Trái Đất.
Tại nơi xảy ra vụ nổ sẽ hình thành một miệng núi lửa nhỏ có chiều ngang 10km. Bão lửa hạt nhân sẽ mở rộng theo mọi hướng trên khắp Nam Mỹ, khiến toàn bộ lục địa bị nhấn chìm trong những đám cháy dữ dội.
Nhưng giai đoạn tiếp theo mới là “giai đoạn tồi tệ nhất”. Mức độ bức xạ cực cao sẽ giết chết các sinh vật. Tất cả mọi nơi, từ miệng núi lửa đến các khu vực cách đó hàng trăm km sẽ không thể ở được. Trong khi phần còn lại của hành tinh sẽ bị chôn vùi trong bụi phóng xạ do đám mây hình nấm mang vào bầu khí quyển.
Thế giới sẽ rơi vào một mùa đông hạt nhân. Mùa đông hạt nhân về lý thuyết khá giống với những kỷ băng hà đã từng diễn ra trong quá khứ. Thế giới sẽ chìm trong bầu không khí lạnh lẽo, ảm đạm kéo dài suốt nhiều năm, bị mất mùa nghiêm trọng, hệ thống lương thực toàn cầu bị phá vỡ kéo theo nạn đói nghiêm trọng. Chúng ta có thể mất từ 20 đến 80% lượng mưa trên toàn cầu.
Bụi phóng xạ bay vào tầng trên của bầu khí quyển sẽ ngăn ánh sáng mặt trời, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm trong nhiều năm. Nếu toàn bộ đầu đạn hạt nhân cùng phát nổ, một màn đêm vĩnh cửu sẽ bao phủ lấy Trái Đất trong nhiều thế kỉ và tiêu diệt sự sống trên hành tinh. Chỉ những loài thích nghi được với môi trường khắc nghiệt nhất mới có thể tồn tại.
Nếu con người khai thác toàn bộ uranium trên Trái Đất với sản lượng ước tính 35 triệu tấn thì con số này đủ để chế tạo 10 tỷ quả bom hạt nhân có đương lượng nổ tương đương quả bom ném xuống Hiroshima. Một khi tất cả những quả bom này được kích hoạt cùng lúc sẽ tạo ra một cuộc đại tuyệt chủng lớn, giống như vụ va chạm giữa một tiểu hành tinh với Trái Đất cách đây 65 triệu năm, khiến loài khủng long bị tiêu diệt. Nhưng lần này sẽ là sự kết thúc của kỷ nguyên loài người. Ngay cả các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS cũng không an toàn trước một vụ nổ như vậy.
Tất nhiên đây chỉ là giả thuyết của giới khoa học. Không ai mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc một vụ nổ hạt nhân, vì điều đó sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng cho nhân loại. Đó là lý do nhiều quốc gia đã tham gia và thúc đẩy Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), nhằm tạo ra một thế giới an toàn hơn./.