Theo tính toán của báo cáo "Chi phí chiến tranh" của Viện Watson thuộc Đại học Brown công bố ngày 14/11, "Mỹ đã chi 5.900 tỷ cho các cuộc chiến tranh chống khủng bố, bao gồm cả chi phí cho các cuộc chiến tranh hoặc các hoạt động liên quan đến chiến tranh và các chi phí trong tương lai cho các thương binh từ sau cuộc khủng bố 11/9”.
Mỹ chi gần 6.000 tỷ USD cho chiến tranh từ sau vụ 11/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Mỹ đã bước vào một cuộc chiến tranh toàn cầu từ sau vụ khủng bố 11/9 từng khiến 3.000 người mạng. Một vài tuần sau sự kiện này, Mỹ đưa quân tới Afghanistan, khu vực do Taliban - đồng minh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda kiểm soát. Tháng 3/2003, Washington lật đổ Tổng thống Irad Saddam Hussein với cáo buộc nhà lãnh đạo này đã phát triển các loại vũ khí phá hủy hàng loạt và ủng hộ các tổ chức khủng bố nhằm vào nước Mỹ.
Giành được một vài chiến thắng ban đầu, Mỹ mở rộng các cuộc tấn công chống khủng bố tới các quốc gia trong khu vực, gồm có Libya, Pakistan, Somalia và Yemen. Năm 2014, Mỹ tập hợp một liên minh quốc tế nhằm chống lại IS tại Iraq và Syria.
Báo cáo của Viện Watson ngày 14/11 cũng cho biết: "Quân đội Mỹ đang tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở 76 quốc gia trên thế giới".
Các nhà nghiên cứu cũng tính toán được rằng khoảng 480.000 - 507.000 người đã thiệt mạng ở Mỹ trong các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và Pakistan kể từ sau vụ tấn công 11/9 . Tuy nhiên, con số này còn chưa tính tới hơn 500.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Syria từ năm 2011 khi lực lượng nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn thực hiện các hoạt động chống chính phủ của Tổng thống Assad được Nga và Iran ủng hộ. Cũng trong năm đó, liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu đã can thiệp vào Libya và hỗ trợ những kẻ nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar el-Qaddafi khiến quốc gia này đến nay vẫn chìm trong nội chiến.
Báo cáo của Viện Watson cũng lưu ý thêm con số thương vong được đưa ra chỉ mang tính tương đối khi nhận định rằng: "Thực tế thì chúng ta không bao giờ biết được tổng số thương vong trong những cuộc chiến này. Chẳng hạn, hàng chục nghìn dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến giành lại Mosul và các thành phố khác từ IS nhưng thi thể họ có thể vẫn chưa được tìm thấy. Ngoài ra, con số này cũng chưa tính tới "những thương vong gián tiếp", tức là những người thiệt mạng vì vấn đề sức khỏe tại các khu vực chiến tranh như thiếu thức ăn, nước uống, các điều kiện y tế, điện và các cơ sở hạ tầng khác".
Tháng 2/2018, Tổng thống Donald Trump ước tính Mỹ "đã chi 7.000 tỷ USD ở Trung Đông" và khẳng định đó là một "sai lầm". Một vài tuần sau đó, ông Trump yêu cầu các cố vấn quân sự lên kế hoạch chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Syria khi cuộc chiến chống IS đã đến hồi kết, dù một số quan chức cấp cao Washington cho rằng sứ mệnh của Mỹ ở Syria không chỉ là tiêu diệt IS mà còn để chống lại Iran và các đồng minh của quốc gia này./.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ có chi phí tốn kém nhất lịch sử?
Mỹ tiết lộ chi phí khủng cho cuộc tập trận chung với Hàn Quốc