Sự tham gia của Mỹ vào thỏa thuận hạt nhân đã chấm dứt. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lựa chọn áp dụng trở lại các chế tài trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 5/11, đúng 6 tháng sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Động thái này là một phần trong sự chuyển đổi chiến lược ở tầm rộng lớn hơn của Washington – họ đang gây áp lực lớn cho đến khi Tehran chấp nhận nhượng bộ ở 12 lĩnh vực.
Nhiều điểm nóng thực sự trong quan hệ Mỹ-Iran
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ gây sức ép lên Iran. Trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Mỹ cũng từng có chiến dịch gây sức ép tương tự. Nguy cơ chiến tranh thời đó là có thật và nguy cơ đó bây giờ thậm chí còn lớn hơn nữa. Chiến tranh có thể bùng phát vào lúc này vì một điểm mâu thuẫn nào đó, giữa một bên là Iran với một bên là Mỹ và các đối tác khu vực của họ.
Đỉnh cao đối đầu mới đây nhất giữa Mỹ và Iran là trong giai đoạn từ năm 2010-2012. Khi đó Israel có thể mở một cuộc tấn công bất ngờ vào chương trình hạt nhân của Iran. Nhiều người cho rằng xác suất xảy ra chuyện đó khi ấy lên tới hơn 50%. Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) thậm chí còn hỏi xin mệnh lệnh về việc phải làm gì nếu máy bay tuần tra trên bầu trời Iraq phát hiện một cuộc tấn công như vậy diễn ra. Về sau có thông tin cho rằng CENTCOM rất quan ngại về một cuộc tấn công bất ngờ nên các nhà phân tích của họ đã theo dõi kỹ các giai đoạn của mặt trăng để đoán xem khi nào giới lãnh đạo Israel sẽ hạ lệnh tấn công.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, Mỹ và Israel đã cộng tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề virus Stuxnet, gây thiệt hại cho hệ thống máy ly tâm của Iran vào năm 2010. Iran đã đáp trả bằng virus Shamoo, tấn công mạng lưới máy tính của công ty Saudi Armco của Saudi Arabia vào năm 2012.
Còn trên đường phố, một loạt vụ ám sát có định hướng đã diễn ra từ năm 2010 đến đầu năm 2012 để chống phá Iran, khiến 4 nhà khoa học hạt nhân của Iran thiệt mạng và một nhà khoa học thứ 5 bị thương. Các vụ ám sát nói trên chủ yếu sử dụng “bom dính” mà những người đi xe máy gắn vào xe của “mục tiêu”. Vụ sát hại cuối cùng xảy ra vào tháng 1/2012.
Đáp lại, vào tháng 2/2012, một quả bom tương tự làm bị thương người vợ của tùy viên quốc phòng Israel ở Ấn Độ. Cùng ngày, người ta phát hiện một quả bom gần đại sứ quán Israel ở Gruzia. Ngày hôm sau, một nhóm công dân Iran ở Thái Lan tình cờ làm nổ tung cơ sở bí mật của họ. Hồi tháng 7 năm đó, một kẻ đánh bom tự sát của nhóm du kích Hezbollah đã cho nổ tung một xe bus chở du khách Israel ở Bulgaria, làm 8 người, bao gồm cả hung thủ, thiệt mạng.
“Phe cánh” của Mỹ có thể thiếu kiềm chế
Cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Iran ngày càng rầm rộ hơn. Các nhân tố mới tích cực tham gia vào cuộc đấu này là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab (UAE).
Tuy nhiên về phía Saudi, vụ sát hại gần đây nhất đối với nhà bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi là một cảnh báo cho thấy tình báo Saudi Arabia thiếu năng lực và tính chuyên nghiệp so với lực lượng của Mỹ và Israel. Lực lượng của Saudi đã không khôn ngoan khi bám đuôi một nhân vật vào lãnh sự quán của chính nước này trong khi vợ chưa cưới của ông đang đợi chờ ở bên ngoài.
Vòng đối đầu mới có sự thay đổi chiến thuật khi đối thủ của Iran tập trung xoáy vào các mâu thuẫn nội bộ của Iran. Trong các tháng gần đây, một nhóm các tổ chức ly khai người Kurd và lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã hằm hè nhau rất nghiêm trọng.
Hồi tháng 9, Iran tấn công một cơ sở ly khai người Kurd ở Iraq. Cũng trong tháng 9, một cuộc tấn công vào một cuộc diễu binh của Iran ở thành phó Ahvaz đã làm chết 24 người. Iran cũng đã phóng tên lửa đạn đạo vào một số vị trí ở miền đông Syria, gần lực lượng Mỹ.
Chưa rõ liệu có những lực lượng bên ngoài ủng hộ các nhóm ly khai trong Iran. Nhưng có những dấu hiệu đáng lưu ý. Thái tử Saudi Mohammad bin Salman đã phát biểu về nước ông tiến hành cuộc đấu tranh với Cộng hòa Hồi giáo Iran “ngay bên trong Iran, chứ không phải Saudi Arabia”.
5 lý do Tổng thống Mỹ Trump sẽ thất bại khi tăng cường trừng phạt Iran
Iran chắc chắn cũng hiểu chuyện đang diễn ra. Các cuộc tiến công do họ tiến hành là nhằm vào những phần tử ly khai hơn các những kẻ hậu thuẫn từ bên ngoài. Tuy nhiên không có gì bảo đảm chắc chắn là Iran sẽ dừng ở đây.
Tình trạng căng thẳng hiện nay gắn liền với việc chính quyền Mỹ hiện tại theo đuổi mối quan hệ gần gũi với Saudi Arabia và UAE, đồng thời đối thoại cứng rắn với Iran.
Học giả Barry Posen nhận xét rằng các đồng minh của Mỹ có thể tận dụng sự ủng hộ của cường quốc mạnh hơn để cư xử táo bạo ở trong vùng, tới mức độ quá đà và gặp phải rủi ro.
Ngoài ra còn các va chạm mang tính truyền thống giữa Mỹ và Iran, bao gồm các tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Hormuz.
Iran không dễ từ bỏ vũ khí phòng thân
Về phía mình, khi bị o ép nhiều, Iran cũng có những lựa chọn. Những người cầu toàn tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng yêu sách 12 điểm của Mỹ đối với Iran chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài việc để cho nước này trở thành một quốc gia bình thường. Những người thực tế trong Bộ này thì nhìn vào logic chiến lược và thấy rằng các yêu sách này chỉ hướng tới một điểm là buộc Iran từ bỏ hầu hết các công cụ mà họ sở hữu và sử dụng để bảo đảm an ninh trước các kẻ thù.
Cụ thể, việc rút lui ở Iraq, Yemen, Syria, Lebanon, Gaza và các nơi khác nữa sẽ làm suy giảm chiều sâu chiến lược của Iran. Việc từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo sẽ khiến Tehran chỉ còn lực lượng không quân lạc hậu để đối chọi với đối phương. Bỏ nốt chương trình hạt nhân, Iran sẽ mất nốt vũ khí răn đe thực sự chắc chắn để ứng phó với nguy cơ bị thay đổi chế độ. Bài học ở Iraq, Libya và Triều Tiên còn đó: Tổng thống Iraq Saddam Hussein và lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân đã bị lật đổ và tiêu diệt, còn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhờ duy trì vũ khí hạt nhân nên đã có được một cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ ở Singapore vào tháng 6 vừa qua./.