Đây được xem là diễn biến tích cực trong việc thu hẹp các bất đồng giữa Moskva và Washington nhằm tìm ra cách thức chấm dứt xung đột nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria. “Mỹ và các đối tác không hướng đến cái gọi là thay đổi thể chế (tại Syria)… Vấn đề chính hiện nay không phải là khác biệt Nga - Mỹ về phải làm và không được làm những gì có liên quan đến ông Assad. Quan trọng hơn, đó là việc thúc đẩy một tiến trình hòa bình mà ở đó người Syria sẽ quyết định tương lai của đất nước”, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ.
Tổng thống Nga Putiin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh AFP). |
Tuyên bố của ông Kerry cho thấy một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Tổng thống Assad trong vài tháng trở lại đây, giữa lúc ảnh hưởng tiêu cực ngày một lớn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng và trở thành mối ưu tiên, bận tâm của các bên liên quan.
Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên lên tiếng “đòi” nhà lãnh đạo Syria phải từ chức vào mùa hè năm 2011, với tuyên bố “ông Assad phải ra đi”. Gần đây, Washington và nhiều đồng minh châu Âu bắn tín hiệu, Tổng thống Assad sẽ phải thoái lui, nhưng không phải trong “ngày một ngày hai”. Giờ thì tương lai của ông Assad là “không xác định” và sẽ do chính người người dân Syria quyết định.
Tại Moscow ông Kerry cũng có phiên thảo luận kéo dài hơn 3 giờ với đồng cấp người Nga Sergei Lavrov trong một loạt các vấn đề, nổi bật là về tình hình Syria. Ngoài vấn đề ông Assad, hai bên đề cập đến một số nội dung quan trọng khác như xác định nhóm đối lập nào sẽ được phép tham gia vào tiến trình chuyển tiếp chính trị, nhóm nào sẽ bị coi là quân khủng bố và cần phải diệt trừ.
Jordan được giao trách nhiệm lên danh sách này và cuộc gặp cấp bộ trưởng Nhóm Hỗ trợ Syria sẽ diễn ra tại New York vào ngày 18/12 tới. Trước đó, hôm 14/11, cuộc gặp tại Vienna (Áo) với sự tham gia của ngoại trưởng và thứ trưởng 20 nước, đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn các quốc gia Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã đạt được thời gian biểu tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Syria, nhưng còn bất đồng về tương lai chính trị của Tổng thống Assad. Phe đối lập Syria vẫn bảo lưu quan điểm, việc ông Assad từ nhiệm là điều kiện cần để khởi động tiến trình đàm phán chính trị giữa các lực lượng ở Syria.