Với tốc độ bay nhanh gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh, tên lửa siêu thanh có thể dễ dàng “qua mặt” các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường và là loại vũ khí mà bất kỳ quốc gia có nền quân sự phát triển này cũng đều muốn sở hữu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johson và Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa ra tuyên bố chung khẳng định hợp tác giữa 3 nước trong khuôn khổ liên minh an ninh AUKUS sẽ không chỉ dừng lại ở tàu ngầm hạt nhân, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ lượng tử, mà còn mở rộng sang cả vũ khí siêu thanh, chống vũ khí siêu thanh và năng lực tác chiến điện tử. Việc mở rộng hợp tác về phát triển vũ khí siêu thanh có thể là bàn đạp để Mỹ và hai quốc gia đồng minh thúc đẩy những ưu tiên chiến lược về an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia Morrison nhấn mạnh: “Phát triển công nghệ siêu âm và các công nghệ liên quan là một phần rất quan trọng mà liên minh AUKUS đang hướng tới. Làm việc cùng nhau để phát triển các công nghệ tốt nhất, ngành công nghiệp phòng thủ tốt nhất và lực lượng quốc phòng tốt nhất sẽ góp phần đảm bảo nâng cao năng lực của mỗi nước.”
Với tốc độ bay nhanh gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh, không đi theo quỹ đạo hình cung và không cần phải lập trình trước đích đến, vũ khí siêu thanh được cho là có thể dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. Tầm bắn cũng là một ưu thế lớn khác của tên lửa siêu thanh khi có thể lên tới 2.000km. Đây cũng là lý do mà các cường quốc không ngần ngại dành những khoản ngân sách khổng lồ đề sở hữu công nghệ vũ khí tiên tiến này. Trong số các quốc gia đang theo đuổi cuộc đua vũ khí siêu thanh, có thể kể đến Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia hay Triều Tiên. Theo truyền thông Mỹ, nước này đang có một chương trình phát triển công nghệ siêu thanh mạnh mẽ với kế hoạch tiến hành 40 cuộc thử nghiệm trong năm nay, với ngân sách dự kiến tới năm 2024 lên tới 15 tỷ USD.
Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, Anh và Australia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, cùng với tàu ngầm hạt nhân, kế hoạch hợp tác vũ khí của các nước trong liên minh AUKUS không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân mà còn làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á- Thái Bình Dương: “Với lý do duy trì an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Anh đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và ba nước sẽ hợp tác phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến như vũ khí siêu thanh. Động thái của họ không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, tác động đến cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, mà còn làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.”
Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ cùng các đồng minh quyết định hợp tác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh có thể tạo ra nhân tố mới khiến cuộc đua này ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài ra cũng có quốc gia lo ngại đây có thể là nhân tố thổi bùng một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc xung đột Ukraine tại những nơi khác trên thế giới.
Trong khi đó, chuyên gia kiểm soát vũ khí Cameron Tracy tại Đại học Stanford, cho rằng: Công nghệ siêu âm và siêu thanh là một công nghệ mang tính tiến hóa của nhân loại. Tuy nhiên, để tránh cho cuộc đua này khiến thế giới rơi vào trạng thái bất ổn, cần phải có những động thái can thiệp càng nhanh càng tốt, như đưa vũ khí siêu thanh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân./.