The Economic Timessáng 4/6 đưa tin, tình hình Biển Đông và các biện pháp giúp ổn định khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo, làm gia tăng căng thẳng với ASEAN là nội dung chính trong các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi.
cater_atfq.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ (ảnh: Reuters)

Việc Bộ trưởng Carter đi thẳng từ Việt Nam tới thăm Ấn Độ đã nhấn mạnh sự cần thiết về ổn định tình hình tại Biển Đông. Bản thân phía New Delhi cũng hết sức quan tâm tới tự do hàng hải và quyền thăm dò dầu khí ở khu vực này.

Vấn đề ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cho là một ưu tiên chiến lược đối với cả Mỹ lẫn Ấn Độ. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ - Ấn mà 2  bên đạt được tại chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 1/2015.

Tuyên bố khẳng định: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Mỹ và Ấn Độ khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên toàn bộ khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua tất cả biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.

Căng thẳng ở khu vực gia tăng khi Trung Quốc ngày 31/5 đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc ngừng các công trình cải tạo ở Biển Đông. Ông Carter cho hay Trung Quốc đã cải tạo hơn 800ha trong 18 tháng qua.

Theo các quan chức ngoại giao Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng đang theo dõi sát sao tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, bởi nó ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ trong chính sách hướng Đông.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Cater sau cuộc gặp với Thủ tướng Modi rằng Mỹ - Ấn cam kết “mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng song phương, đang xem xét và tìm giải pháp cho những vấn đề an ninh hiện hữu và nổi lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”./.