Ông Cameron đã hứa với cử tri Anh sẽ đàm phán lại mối quan hệ giữa nước  này với Liên minh châu Âu (EU) trước khi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của khối cuối năm 2017. Tuy nhiên, ông đang phải vật lộn để thuyết phục các nước Liên minh châu Âu khác rằng những yêu cầu của ông là hợp lý. Phát biểu khi đang thăm Bulgaria hôm qua, Thủ tướng Anh cũng thừa nhận rằng với quy mô những đòi hỏi của ông thì sẽ không dễ đạt được thỏa thuận về cải cách với Liên minh châu Âu.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ không đạt được sự nhất trí ngay tức khắc vì thế tôi không kỳ vọng đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh trong tháng 12 này. Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng thúc đẩy. Chúng tôi sẽ duy trì tiến độ đàm phán này và tôi sẽ dùng hội nghị thượng đỉnh sắp tới để tập trung trí lực của các bên nhằm tìm ra các giải pháp cho những vấn đề khó khăn nhất bởi vì chúng ta cần cải cách ở từng lĩnh vực mà tôi đã chỉ ra.”

Thực tế, một số yêu cầu của Anh như ngăn cản người nhập cư tiếp cận hệ thống phúc lợi của nước này bị cho là khó có thể đáp ứng vì nó thách thức nguyên tắc không phân biệt đối xử của Liên minh châu Âu. Trong một nỗ lực vận động, ông Cameron đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó cùng ngày và đôi bên đã nhất trí rằng tiến trình đàm phán lại mối quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu đang tiến triển tốt đẹp. Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết, bà Merkel đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những mối quan ngại của Anh nhưng những vấn đề khó khăn vẫn ở phía trước.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 3/12 cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng Anh David Cameron vào tháng 2 năm sau để ngăn chặn nền kinh tế lớn thứ hai của khối rời khỏi liên minh này. Theo ông Tusk, cuộc họp Hội đồng châu Âu ngày 17 - 18/12 tới sẽ có thể mở đường cho một thỏa thuận vào tháng 2.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 3/12 cảnh báo rằng, nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì nền kinh tế này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng do những ảnh hưởng đối với thương mại và đầu tư. Hãng này có thể đặt mức xếp hạng tín nhiệm của Anh vào nguy cơ bị hạ.

thu_tuong_anh_kuft_tuww.jpg
Thủ tướng Anh David Cameron.

Chưa bao giờ Moody’s lên tiếng cảnh báo chi tiết về nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu như lần này khi cho rằng Anh có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn lâu dài nếu phải thương thảo lại các thỏa thuận thương mại với những đối tác cũ thuộc Liên minh châu Âu. Mặt khác, Moody’s cho rằng lợi ích đối với nước Anh khi rời khỏi liên minh này là khá mờ nhạt. Trong đó, khoản tài chính mà nước Anh cho rằng có thể “tiết kiệm” được vì không phải đóng góp cho ngân sách chung của khối chỉ ở mức khiêm tốn là 0,6% sản lượng kinh tế mỗi năm.

Trước đó, một  hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín bậc nhất thế giới khác là Standard & Poor's cũng đã cảnh báo sẽ hạ tín nhiệm đang ở mức AAA của Anh xuống 2 bậc nếu nước này rời khỏi Liên minh châu Âu./.