Ô nhiễm đại dương do rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 thế giới, sau biến đổi khí hậu. Để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhựa đại dương trên thế giới và ở Việt Nam cũng như tìm giải pháp cho vấn đề này, ngày 17/12, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức buổi thảo luận chuyên đề về “Tìm kiếm các giải pháp cho Đại dương không rác thải”. Sự kiện có sự góp mặt của đại diện nhiều tổ chức như Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID); Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng và Môi trường (CECR), tổ chức Bảo tồn Đại dương.

vov_1_apkp.jpg
Bà Chever X. Voltmer, Giám đốc Sáng kiến về Nhựa tại tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương

Báo động tình trạng rác thải nhựa đại dương

Đánh giá về vấn đề rác thải nhựa đại dương, Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID Brittany Thomas cho biết, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa tuồn ra đại dương. 80% rác thải nhựa đại dương đến từ vùng đất liền. Lượng rác thải nhựa ngày càng tăng lên mạnh do sự tăng trưởng của khu vực đô thị. Hiện nay rác thải nhựa chiếm 16% tổng rác thải rắn của khu vực đô thị. Trong một báo cáo mới được công bố thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế trên quy mô toàn cầu do rác thải nhựa gây ra đối với ngành ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản lên tới 2,5 tỷ USD/mỗi năm. Con số thiệt hại này vẫn chưa tính đến tác động tiêu cực thứ cấp đối với ngành du lịch, giao thông vận tải hay sức khỏe con người.

Theo nhận định của bà Chever X. Voltmer, Giám đốc Sáng kiến về Nhựa tại tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương), châu Á hiện là một trong những khu vực có tình trạng phát thải ra đại dương lớn nhất. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực, xu hướng tiêu dùng gia tăng trong khi hạ tầng quản lý rác thải ra đại dương còn hạn chế, dẫn đến lượng rác thải quá tải vượt quá khả năng xử lý. Bên cạnh đó, nhiều nơi không đầu tư vào việc xử lý và quản lý rác thải nhựa vì cho rằng nó không đem lại lợi nhuận cao và có nhiều rủi ro.

Rác thải nhựa cũng là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam. Tại hội thảo, Đại diện cơ quan ngoại giao Mỹ, Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh Marie C. Damour cho biết, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên nhiên đẹp và ấn tượng nhưng nhiều nơi đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nhựa, đặc biệt là ở khu vực hồ, sông, các con suối và ven biển. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về việc xả rác thải nhựa ra đại dương. Lượng rác thải nhựa bình quân trên đầu người ở Việt Nam cao thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia và Philippines. Điều đáng lo ngại hơn là nhu cầu tiêu thụ nhựa của người dân Việt Nam đang tăng mạnh. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay.

Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh Marie C. Damour.

Sáng kiến và hành động

Bà Damour cho rằng, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiệu quả thì mọi đơn vị từ cấp chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ cho tới người dân đều phải góp công sức và có trách nhiệm. Chính phủ có vai trò rất quan trọng giúp đảm bảo vận hành hệ thống xử lý rác thải cũng như thực thi các chương trình tài chế rác thải 1 cách hiệu quả, thực thi mạnh mẽ quy định về môi trường. Các doanh nghiệp cũng cần phải tích cực đầu tư nghiên cứu cách thức xử lý rác thải, cải tiến công nghệ, bao bì, mẫu mã sao cho thân thiện với môi trường.

Theo bà Damour, nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề, chính phủ Mỹ thời gian qua đã đẩy mạnh các nỗ lực trong nước cũng như trên quy mô toàn cầu, phối hợp với các đối tác để ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa chảy vào đại dương trên cơ sở quản lý chất thải tốt hơn, cũng như hạn chế các nguồn gây gia tăng rác thải nhựa ở đại dương. Ở trong nước, Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đã phát động chương trình xử lý rác thải nhựa đại dương từ năm 2006. Chương trình này đã tài trợ hơn 150 dự án xử lý rác thải nhựa đại dương, xử lý hơn 17.000 tấn rác thải nhựa trên các bang ở Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết hợp tác quốc tế chặt chẽ, để nâng cao năng lực của các quốc gia khác, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa đại dương, thông qua mô hình đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC.

Nói về việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện xử lý rác thải nhựa, Giám đốc Sáng kiến về Nhựa tại tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương), bà Chever X. Voltmer cho biết, tổ chức này sẽ triển khai 2 dự án tại Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những dự án đó là bộ công cụ đánh giá nhanh nhằm giúp cộng đồng địa phương đánh giá thực trạng của họ về vấn đề rác thải nhựa và tham vấn các giải pháp cần có dựa trên kinh nghiệm tích lũy lâu năm từ tổ chức. Tiếp theo là giải pháp quỹ vốn xoay vòng để giúp những người kiếm sống bằng nghề thu gom rác thải tại Việt Nam, hỗ trợ cho công việc của họ hiệu quả hơn và thu nhập được nâng cao hơn.

Theo bà Chever X. Voltmer, tổ chức Bảo tồn đại dương đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về xử lý rác thải nhựa, trở thành quốc gia thứ 2 ở ASEAN thực hiện được điều này. Bà Voltmer nhấn mạnh rằng mục tiêu của cơ quan này là cung cấp thông tin đầu vào và giúp Việt Nam triển khai kế hoạch, trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về kiểm soát rác thải nhựa đại dương.

Cũng tại hội thảo, đại diện của USAID cam kết đẩy mạnh chương trình “tái chế rác thải đô thị” (viết tắt là MWRP) tại Việt Nam, được triển khai tại 8 tỉnh thành lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. MWRP có mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách hỗ trợ hệ thống quản lý rác và tái chế rác tại đô thị. Theo USAID, chương trình này có tổng số vốn là 1,4 triệu USD cùng với các khoản viện trợ không hoàn lại. Dự kiến có khoảng 1,9 triệu đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp trong khuôn khổ dự án./.