Ngày 14/1, hãng AP đưa tin, chuyến bay mang số hiệu 4310 của hãng Southwest cất cánh tối 12/1 từ sân bay Chicago và dự kiến hạ cánh tại sân bay Branson trong cùng ngày, tuy nhiên, nó đã hạ cánh nhầm tại một sân bay nhỏ nằm ở hạt Taney, cách địa điểm ban đầu khoảng 11,2 km ngày 13/1.

Không một ai bị thương sau khi máy bay hạ cánh. 124 hành khách bước ra khỏi chiếc máy bay nhận thấy chiếc máy bay đã đi đến tận mép đường băng. Chiếc máy bay có thể bị lao xuống một dốc sâu nếu hạ cánh chệch đường băng. 
bay%20nham.jpg
124 hành khách an toàn bước từ trên chiếc máy bay đã hạ cánh nhầm xuống sân bay ở hạt Taney (Mỹ) (Ảnh: AP)

"Ngay khi chúng tôi hạ cánh, phi công đã gắng hết sức để phanh máy bay lại. Tôi đã thắt dây an toàn, nhưng cả người tôi đã lao về phía trước vì quán tính khi máy bay phanh đột ngột. Tôi còn ngửi thấy cả mùi cao su bị cháy khi phanh gấp”- ông Scott Schieffer, một luật sư ở Dallas nói.

Sân bay Branson có một đường băng dài khoảng 2,1 km (độ dài tiêu chuẩn cho việc hạ cánh của máy bay thương mại). Trong khi đó, đường băng dài nhất tại sân bay của hạt Taney chỉ khoảng hơn 1,12 km bởi vì sân bay này được thiết kế cho các máy bay tư nhân nhỏ.

Cả hai phi công trong chuyến bay hạ cánh nhầm đều là cựu chiến binh vùng Tây Nam. Cơ trưởng chuyến bay này là người đã có 15 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, theo lời ông Jeff Bourk, Giám đốc điều hành sân bay Branson, điều kiện thời tiết ngày 12/1 khá tốt, bầu trời trong vắt, không gợn mây, nhiệt độ cũng ở mức ổn định.

Theo lời của các phi công và các chuyên gia an toàn hàng không, trường hợp của máy bay hạ cánh nhầm sân bay là hy hữu, nhưng không có nghĩa là chưa từng xảy ra. Thông thường, các phi công điều khiển máy bay bằng mắt thường, có nghĩa là, bay mà không có sự trợ giúp của chế độ bay tự động, trong điều kiện thời tiết ổn định.

Cũng có những lỗi hạ cánh nhầm là do các đường băng nằm gần nhau nên dễ bị trùng vị trí trên la bàn.

Ủy viên Ban An toàn Giao thông Mỹ John Goglia nhận định, trung bình khoảng hai lần một năm có những chuyến hạ cánh nhầm. Các chuyên gia an toàn hàng không cũng tin rằng các trường hợp máy bay hạ cánh nhầm có thể còn nhiều hơn nhưng do phi công đã nhanh chóng nhận ra nhầm lẫn nên có thể ngừng việc hạ cánh kịp thời.

Trong trường hợp hạ cánh nhầm đã nêu ở trên, câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là nguyên nhân nào đã khiến người phi công không thể nhận ra được sự nhầm lẫn của mình. Bởi lẽ, thông thường, các phi công khi lái máy bay  phải luôn luôn giám sát chặt chẽ hệ thống hỗ trợ định vị và các máy bay khác.

Phát ngôn viên Cục Hàng không liên bang,Tony Molinaro cho biết, cơ quan này đang điều tra nguyên nhân của vụ bay nhầm./.