Cuộc bầu cử Tổng thống Mali diễn ra ngày 28/7 vừa qua được người dân kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới mang lại hòa bình và ổn định tại Mali. Tuy nhiên, không như nhiều người dân Mali mong đợi, những cáo buộc gian lận sau bầu cử khiến chính phủ nước này chưa thể công bố chính thức kết quả bầu cử - chìa khóa quan trọng cho sự phục hồi của quốc gia Tây Phi đầy bất ổn này.

bau-cu-mali.jpg
Mali tạm hoãn công bố kết quả bầu cử Tổng thống vì cáo buộc gian lận trong bầu cử (Ảnh: Press TV)

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống ngày 28/7 cho thấy, cựu Thủ tướng Mali Ibrahim Boubakar Keita của Đảng Tập hợp vì Mali (RPM) đã giành được số phiếu "nhiều hơn hẳn" các ứng cử viên đối thủ khác. Hiện các hoạt động kiểm phiếu đã hoàn thành nhưng chính phủ Mali ngày 1/8 lại một lần nữa trì hoãn công bố kết quả. Có thể thấy những rắc rối sau bầu cử với các cáo buộc của lực lượng đối lập khiến Ủy ban bầu cử phải cân nhắc thận trọng do lo ngại làn sóng bạo lực có thể xảy ra. 

Trong những ngày qua, những người ủng hộ cựu Bộ trưởng Tài chính Mali Soumalia Cisse của Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa và Dân chủ (URD) đã tiến hành các cuộc mít tinh và biểu tình để phản đối kết quả bầu cử sơ bộ. Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa và Dân chủ cáo buộc có gian lận trong bầu cử, kêu gọi tổ chức bỏ phiếu vòng 2, đồng thời khẳng định sẽ đưa vụ việc này lên Tòa án Hiến pháp.

Người phát ngôn của Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa và Dân chủ Madou Diallo cho biết: “Ứng cử viên, những người ủng hộ chúng tôi chiếm hầu hết các khu vực trong đất nước. Có nhiều báo cáo cho thấy có gian lận và vi phạm tại các điểm bỏ phiếu. Chúng tôi sẽ đưa các chứng cứ này ra Tòa án. Chúng tôi khẳng định bầu cử vòng hai là rất cần thiết”.

Trước đó, dư luận quốc tế lên tiếng hoan nghênh cuộc bầu cử Tổng thống tại Mali cho rằng tiến trình bầu cử diễn ra minh bạch, hòa bình và kêu gọi người dân Mali tôn trọng kết quả bầu cử. Tuy nhiên, những tranh cãi sau bầu cử có thể khiến quốc gia Tây Phi này thêm phân cực sâu sắc.

Chuyên gia phân tích chính trị tại Mali Souleymane Drabo cho biết: “Đứng đằng sau mỗi cuộc khủng hoảng là một sự chia rẽ sâu sắc và điều này cũng đang xuất hiện tại Mali. Cuộc bầu cử này có ý nghĩa giúp thống nhất người dân Mali nhưng cũng có thể khiến Mali quay trở lại vòng xoáy bạo lực và tình trạng phân cực trở nên sâu sắc hơn”.

Nếu những tranh cãi sau bầu cử không được giải quyết và Mali phải tổ chức bỏ phiếu vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 11/8 tới, giới quan sát cho rằng, ông Keita tiếp tục phải đối mặt với ông Cisse và có thể phải thành lập một chính phủ liên minh với các đảng khác. Thậm chí nếu quá trình chuyển giao chính trị tại Mali diễn ra suôn sẻ, chính phủ mới được thành lập cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc ổn định và khôi phục Mali sau nhiều tháng bất ổn, khi  hàng trăm nghìn người tại phía Bắc đi sơ tán vẫn chưa được trở về nhà và phiến quân Toureg vẫn kiểm soát một số thị trấn phía Bắc./.