Sau hơn một năm đầy bất ổn, hàng triệu cử tri Mali, ngày 28/7 vừa qua, đã đi bầu cử để bầu chọn Tổng thống mới. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, cựu Thủ tướng Mali Ibrahim Boubakar Keita đang là ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất. Cuộc bầu cử được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới mang lại hòa bình và ổn định tại Mali. 

kiem-phieu-bau-cu-mali.jpg
Nhân viên kiểm phiếu làm việc tại một điểm bỏ phiếu ở Kidal, Mali ngày Chủ nhật ngày 28/7 (Ảnh: AP)

Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) ngày 29/7 bày tỏ hoan nghênh cuộc bầu cử Tổng thống Mali diễn ra trong hòa bình và trật tự, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tôn trọng kết quả bầu cử khi được công bố. Theo phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali đã có sự hợp tác tốt giữa các thành viên của phái bộ với các lực lượng Mali nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử này.

Trong một tuyên bố, ông Ali Diabacté, chuyên gia thuộc Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali nhận xét: “Cuộc bầu cử tại Mali diễn ra hòa bình, về cơ bản được tổ chức tốt. Nhiều cử tri ở miền Nam đi bỏ phiếu nhiều hơn số cử tri ở miền Bắc. Nói chung số cử tri đi bỏ bầu Tổng thống mới tham gia đầy đủ”.

Tổng thống Pháp François Hollande - nước có đóng góp quân sự lớn nhất giúp Mali ổn định an ninh - cho rằng, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu “cao chưa từng thấy” trong cuộc bầu cử tổng thống lần này sẽ giúp đưa Mali trở lại với trật tự hiến pháp.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố ca ngợi chính phủ lâm thời Mali đã tổ chức cuộc bầu cử một cách “minh bạch và toàn diện”, đồng thời hối thúc các ứng cử viên giải quyết bất đồng phát sinh trên cơ sở luật pháp. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ “cuộc bầu cử là một bước tiến quan trọng cho phép Mali trở lại với trật tự hiến pháp và hướng tới tiến trình hòa giải dân tộc”. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy của Mali trong công cuộc xây dựng hòa bình bền vững, an ninh và phát triển.

Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhận định, "nhân dân Mali đã vượt qua được những thách thức" ở thời điểm này. Trong khi đó, Cộng đồng các quốc gia vùng Sahel-Sahara (CEN-SAD), mà Mali là thành viên, cũng đánh giá cao diễn biến tốt đẹp của cuộc bầu cử.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí “châu Phi”-Afrique ngày 29/7, Trưởng phái bộ quan sát viên Liên minh châu Âu (EU) tại Mali, ông Louis Michel cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại cuộc bầu cử đạt khoảng 50%. Đây là mức kỷ lục vì trong các cuộc bầu cử trước, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt quá 38%. Theo ông Michel, cuộc bầu cử diễn ra “minh bạch”, trong “yên bình” và “điều kiện tốt”, gần như không xảy ra sự cố nào lớn ảnh hưởng tới “độ tin cậy và tính hợp pháp” của cuộc bỏ phiếu lần này.

Ông Michel cho biết: “Không có vụ việc gì lớn xảy ra trong suốt quá trình bầu cử tại Mali. Trong suốt cuộc bầu cử thường có một số sơ suất xảy ra, song đối với Mali, các vụ việc nhỏ này không ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Do đó có thể nói, cuộc bầu cử tại Mali diễn ra khá suôn sẻ”.

Dư luận trong nước cũng cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mali vào ngày 28/7 đã diễn ra êm thấm mà không có sự cố nào, bất chấp một trong những nhóm Hồi giáo chính ở miền Bắc Mali là Phong trào độc tôn và thánh chiến Tây Phi (MUJAO) ngay trước thềm bầu cử tuyên bố sẽ “tấn công” các điểm bỏ phiếu.

Một số người dân Mali bày tỏ: “Chúng tôi có cảm giác như vừa được tham dự một ngày hội. Chúng tôi rất vui vì cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. Đó là một sự cải thiện đối với Mali. Chúng tôi sẽ có một chính phủ dân chủ và đáng tin cậy”; “Cuộc bầu cử tại Mali sẽ thúc đẩy sự phát triển và dân chủ tại Mali. Tất cả mọi thứ đã bị đình lại trong suốt một năm qua. Giờ đây, chúng tôi cần một tổng thống hợp pháp”.

Cuộc bầu cử được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới mang lại hòa bình và ổn định tại Mali. Khủng hoảng chính trị kéo dài ở quốc gia này bắt đầu từ cuối tháng 3/2012 sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure. Cuộc binh biến này đã dọn đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Toureq chiếm giữ các tỉnh miền Bắc Mali, gây bất ổn định triền miên tại quốc gia Tây Phi này.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, cựu Thủ tướng Mali Ibrahim Boubakar Keita đang là ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất. Kết quả chính thức sẽ được công bố muộn nhất vào ngày 2/8 tới. Nếu không có ứng cử viên nào trong tổng số 27 ứng cử viên tham gia tranh cử giành được đa số phiếu, Mali sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 11/8 tới./.