Lãnh đạo khu vực và các tổ chức quốc tế ngày 19/10 họp tại thủ đô Bamako của Mali nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại miền Bắc Mali. Song theo các nhà quan sát, kết thúc cuộc họp, các bên liên quan vẫn chưa thể xác định được cách thức giải quyết mối nguy cơ ngày càng tăng tại khu vực này.

Các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Bắc Mali vẫn đang lâm vào bế tắc do những bất đồng xung quanh cách thức hành động. Kết thúc cuộc họp, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất được quan điểm: Liệu một cuộc can thiệp quân sự có phải là giải pháp tối ưu nhất.

binh-si-mali.jpg
Các binh sĩ Mali trên đường phố (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Cote d'Ivoire Kablanđã thúc giục các lãnh đạo khu vực và tổ chức quốc tế gạt bỏ bất đồng để nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng.

“Việc làm khẩn cấp lúc này là nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Mali, đang có những diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Tất cả các nước và tổ chức quốc tế cần hỗ trợ chúng ta trong vấn đề này, dưới hình thức hỗ trợ quân sự và thiết bị, cũng như các hỗ trợ khác trong cuộc chiến chống lại các tay súng khủng bố và các nhóm cực đoan liên quan khác” - Ngoại trưởng Kablan nói.

Ngày 12/10 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết cho phép các nước Tây Phi và các tổ chức khu vực trong vòng 45 ngày đưa ra một kế hoạch quân sự "chi tiết và khả thi" nhằm hỗ trợ quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng. Tuy nhiên, tới nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh khả năng can thiệp quân sự vào Mali.

Lãnh đạo một số nước khu vực cho rằng, việc can thiệp quân sự vào Mali không phải là một ý tưởng hay và cần tạo cơ hội cho các giải pháp chính trị. Dù không thể phủ nhận rằng Mali cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, song một hành động can thiệp quân sự vào Mali có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và gây nên hiệu ứng lan tỏa không chỉ ảnh hưởng đến Mali mà còn đối với cả khu vực Sahel và lục địa châu Phi.

Bên cạnh đó, mặc dù một chính phủ chuyển tiếp đã được thành lập, nhưng giới lãnh đạo quân sự phe đảo chính vẫn nắm giữ quyền lực và chắc chắn sẽ không hoan nghênh sự hiện diện của binh sỹ Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi vì nó có thể làm suy yếu quyền lực của quân đội nước này. Do đó, các giải pháp quân sự sẽ khó đem lại hiệu quả khi không có ai đứng ra chịu tránh nhiệm chính thức./.