Tổng thư ký Ban Ki-moon nói rằng, luật Hồi giáo Shariah đã bị áp đặt bất hợp pháp tại miền Bắc Mali – nơi mà tình hình không thể đoán định được.

tong-thuky.jpg
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (ảnh: Internet)
“Các nhóm phiến quân hồi giáo như Ansar Dine, nhóm Phong trào đoàn kết hay Jihad tại Tây Phi được báo cáo là có liên quan đến mạng lưới Al Qeada tại vùng Maghreb sau khi các nhóm này thúc đẩy phong trào giải phóng và áp đặt luật hồi giáo Shariah đối với các cư dân. Với sự thánh chiến tràn lan trong khu vực và quốc tế, có lý do để lo ngại rằng, miền Bắc Mali đang trở thành nơi ẩn náu an toàn cho các nhóm khủng bố và tội phạm”, ông Ban Ki-moon nói.

Ông Ban Ki-moon còn cho rằng, cuộc xung đột tại Mali làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Hơn 174.000 người dân Mali đã phải lánh nạn, hơn 253.000 người phải chạy sang các nước láng giềng do các cuộc xung đột. Cuộc khủng hoảng lương thực ảnh hưởng tới  4,6 triệu người tại Mali.

Mali rơi vào khủng hoảng trầm trọng kể từ khi các binh sĩ nổi loạn hồi tháng 3 vừa qua lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure. Sau cuộc đảo chính, lực lượng phiến quân người Tuareg tìm cách mở rộng kiểm soát miền Bắc Mali khu vực này và tuyên bố ly khai, áp dụng luật Hồi giáo Shariah ở khu vực này. Hiện nay, phiến quân đang kiểm soát 2/3 vùng sa mạc phía Bắc Mali, bao gồm các khu vực Gao, Kidal và Timbuctu.

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Mali, các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi kêu gọi Mali cho phép hành động can thiệp quân sự với sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc đang bị phiến quân chiếm giữ./.