Việc Ankara gia hạn tình trạng khẩn cấp sau vụđảo chínhbất thành cách đây 1 năm được cho là động thái tiếp tục giao phó quyền lực tuyệt đối cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lần thứ 4 gia hạn tình trạng khẩn cấp đã diễn ra trong bối cảnh nước này vẫn đang tiếp tục tiến hành chiến dịch trấn áp các đối tượng liên quan đến vụ đảo chính.
Mặc dù đã có hơn 50.000 người bị bắt giữ và 150.000 người bị sa thải, nhưng Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vẫn còn nhiều phần tử thuộc mạng lưới của giáo sĩ Gulen đang giấu mặt. Vì vậy, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo khuôn khổ pháp lý giúp Ankara thanh lọc những người chống đối, đồng thời giải quyết các thách thức an ninh mà nước này đang đối mặt.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thông qua quyết định gia hạn lần này là việc làm được cho là tất yếu bởi đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan đang chiếm đa số ghế và tình hình an ninh, chính trị nội địa vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Bình luận về động thái nói trên, nghị sĩ đảng Công lý và Phát triển Bulent Turan cho biết: “Chúng tôi không muốn sống trong tình trạng khẩn cấp, chúng tôi không mong đợi điều này. Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với vấn đề cần phải giải quyết và phải đảm bảo tương lai trong khuôn khổ luật pháp. Chúng tôi nghĩ rằng tình trạng khẩn cấp cần phải tiếp tục khi tiến hành cuộc chiến chống khủng bố”.
Mặc dù vậy, lệnh khẩn cấp kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra nhiều lo ngại về những hệ lụy của việc lạm dụng quyền lực. Trong những lần Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn tình trạng khẩn cấp trước đây, phương Tây đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và cho rằng quyền lợi và sự tự do của người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được bảo đảm.
Một số ý kiến còn cho rằng tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ “có điều kiện tiếp tục trên con đường nguy hiểm” là bóp nghẹt quyền tự do dân chủ bị thu hẹp.Thổ Nhĩ Kỳ kỉ niệm 1 năm ngày đảo chính bất thành
Thực chất, quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp sẽ khiến quyền lực tiếp tục tập trung vào tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ của đất nước, nội các Thổ Nhĩ Kỳ có quyền ban hành các điều luật mới mà không cần thông qua Quốc hội và hạn chế hoặc đình chỉ một số quyền nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp còn cho gia tăng quyền lực cho lực lượng an ninh, tước bỏ quyền kháng cáo, gia tăng trấn áp truyền thông.
Nghị sĩ đối lập Aytug Atici đã bày tỏ sự bức xúc về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp. Ông nói: “Tổng thống Erdogan đã dùng lệnh khẩn cấp để làm lá chắn bảo vệ mình, ông ấy đã biến cuộc đảo chính thành cơ hội cho chính mình. Đó là lý do chúng tôi phản đối”.
Có thể thấy rõ một thực tế, tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ là con dao hai lưỡi trong cuộc chơi chính trị đối với Tổng thống Erdogan.
Một mặt, việc làm này có thể giúp củng cố quyền lực và sự phục tùng đối với cá nhân ông Erdogan, cũng như tạo cơ hội triệt tiêu các đảng phái, phần tử đối lập, khẳng định vị trí lãnh đạo của đảng Công lý và Phát triển. Song mặt khác, sự căng thẳng kéo dài do lệnh khẩn cấp sẽ làm gia tăng tâm lý chán nản, bất mãn trong dân chúng, tạo điều kiện cho những mầm mống nổi loạn phát triển, đe dọa thách thức quyền lực của Tổng thống Erdogan./.