Hôm 18/5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết ông có kế hoạch chỉ thị Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của Croatia tại NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. Động thái trên khiến Croatia trở thành thành viên thứ hai của NATO lên tiếng phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, sau khi hai nước chính thức phá vỡ quy chế trung lập của họ và nộp đơn xin gia nhập NATO (15/5).
Giải thích trước báo giới, ông Milanovic nhấn mạnh, việc từ chối cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang các vấn đề mà cộng đồng người Croatia đang đối mặt ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái quyết liệt ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng lá phiếu của mình khiến cuộc họp các thành viên NATO hôm 18/5 không đạt được đồng thuận trong việc có nên bắt đầu các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan hay không.
Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước với dân số 85 triệu người đã phạm sai lầm như vậy trong quá khứ, điều đó sẽ không xảy ra nữa. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục chính sách của mình một cách kiên quyết. Chúng tôi đã nói với các đồng minh rằng chúng tôi sẽ nói không với việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển”.
Phản đối của Ankara đối với sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ vì Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước ủng hộ mở rộng NATO. Lý giải về điều này, nhà phân tích chính trị kỳ cựu Murat Yetkin cho rằng, Ankara từ lâu đã phản ứng mạnh mẽ trước việc Thụy Điển và Phần Lan có thiện cảm với nhóm chiến binh Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và những người theo phe giáo sỹ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
Đứng trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia, Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết:
“Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với các đồng minh khác. Tất nhiên chúng tôi đang giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ, bởi vì khi một đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ, đặt ra những lo ngại về an ninh, đặt ra vấn đề, thì tất nhiên cách giải quyết duy nhất là ngồi lại và tìm cách tìm ra điểm chung và thống nhất về cách thức tiến lên”.
Các chuyên gia cho rằng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia đang tận dụng quyền phủ quyết của mình để đạt được các mục đích khác nhau và điều này có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền khiến các thành viên khác của NATO đưa ra phản ứng tương tự. Đây cũng được xem là trở ngại rất lớn đối với con đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển./.