Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California vào cuối tuần này để thảo luận một loạt các vấn đề như an ninh và kinh tế để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong những năm tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo qua điện thoại vào sáng 5/6 (theo giờ Việt Nam), một quan chức Nhà Trắng cho biết, cuộc hội đàm không chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 7/6.

obama1.jpg
Liệu Trung-Mỹ có thể giải quyết được những bất đồng đang tồn tại? (Ảnh: Reuters)

Theo quan chức trên, hình thức hội đàm không chính thức sẽ giúp 2 bên giảm thiểu các nghi lễ ngoại giao cũng như các bài phát biểu nặng tính thủ tục để dành thời gian thảo luận thực chất về các vấn đề cùng quan tâm. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm các lĩnh vực như chính trị, kinh tế và an ninh, trong đó có tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ và an ninh biển tại Châu Á-Thái Bình Dương và hoạt động quân sự của 2 nước tại khu vực này.

Quan chức Nhà Trắng cho biết: “Cuộc gặp nhằm giúp Tổng thống Obama tìm hiểu và khởi động quá trình làm việc với nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, chuyển thông điệp về những ưu tiên và quan ngại của Mỹ và lắng nghe ý kiến của ông Tập Cận Bình. Đây cũng là cơ hội để Mỹ xác định và phát triển một số lĩnh vực hợp tác song phương cũng như thống nhất quan điểm về những vấn đề ưu tiên của cả 2 bên như phi hạt nhân hóa và tăng trưởng kinh tế”.

Một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình là các vụ đột nhập vào hệ thống dữ liệu kinh tế và Quốc phòng của Mỹ được cho là do tin tặc Trung Quốc thực hiện.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nêu rõ, tin tặc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, và tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế về an ninh mạng. Quan chức chính phủ nhấn mạnh: “Một trong những nguy cơ gây tổn hại tới quan hệ Mỹ-Trung cũng như đối với kinh tế thế giới và uy tín của Trung Quốc là việc sử dụng công nghệ mạng để chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của các công ty và tổ chức của Mỹ. Mỗi chính phủ đều phải có trách nhiệm điều tra một cách nghiêm túc những gì xảy ra trong lãnh thổ nước mình, kể cả đối với không gian mạng và chấm dứt những hoạt động sai trái đó”.

Về nguy cơ xung đột Mỹ-Trung, như những gì thường xảy ra trong lịch sử giữa một cường quốc đã được xác lập và một cường quốc mới nổi, một quan chức Nhà Trắng cho biết: “Cả 2 nhà lãnh đạo đều hiểu rõ sự nguy hiểm của những xung đột có khả năng xảy ra giữa một cường quốc đã được xác lập và một cường quốc mới nổi. Chúng ta cần đưa ra những phương cách, hình thức tương tác giữa các cơ chế song phương nhằm đối phó với những nguy cơ gây bất ổn và cạnh tranh có thể khiến 2 nước trở thành kình địch của nhau”.

Phía Mỹ cho rằng, hai bên còn có những bất đồng sâu sắc nhưng quan hệ Mỹ-Trung vẫn phát triển trên nhiều phương diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên./.