Mới đây, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua dự thảo Chỉ thị liên quan tới việc giảm thiểu tác hại của các sản phẩm đồ nhựa tới môi trường, trong đó có mục tiêu cấm sử dụng nhiều sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần vào năm 2021.
Theo thống kê, mỗi năm, 28 quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) thải ra 25 triệu tấn rác thải nhựa trong vòng 1 năm, trong đó chỉ 1/4 được tái chế. Theo Ủy ban châu Âu “hơn 80% rác thải trên các đại dương là rác thải bằng nhựa”, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và lâu dài cho môi trường.
Nắp hộp nhựa phế thải tại một nhà máy tái chế gần Marseille, Pháp - Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước tình trạng này, ngày 27/3/2019, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua “Chỉ thị về việc giảm thiểu tác động đến môi trường của một số sản phẩm làm bằng nhựa” hay được còn gọi với tên ngắn hơn là “Chỉ thị về các loại nhựa sử dụng một lần”.
Theo nội dung văn bản này, các quốc gia thành viên EU cần áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu cấm hoàn toàn việc sử dụng một số loại sản phẩm đồ nhựa dùng một lần, chậm nhất là đầu năm 2021. Một số sản phẩm đồ nhựa dùng một lần bị nhắm tới trong Chỉ thị này là đĩa nhựa, nắp nhựa, tăm bông, ống hút, cây khuấy đồ uống bằng nhựa và que nhựa (dùng với các loại bóng bay).
Bên cạnh đó, một số sản phẩm làm từ nhựa phân hủy được, chẳng hạn các loại túi, bao tải, cũng sẽ bị cấm do các sản phẩm này phân hủy lâu ngày sẽ tạo ra các phân tử vi mô, dễ dàng ngấm vào chuỗi thức ăn, gây hại cho sức khỏe của con người cũng như động vật. Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học được làm từ các vật liệu tự nhiên, chưa bị pha trộn hóa chất, vẫn được phép sử dụng.
Chỉ thị này của Nghị viện châu Âu cũng đặt ra một mục tiêu khác là thu gom 90% số lượng chai nhựa từ nay đến năm 2029 và tái chế được 25% số lượng chai nhựa từ nay đến năm 2025 và 30% đến năm 2030. Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng buộc các nhà sản xuất phải thể hiện trên bao bì các tác động tiêu cực tới môi trường của một số sản phẩm như thuốc lá có đầu lọc mà trong thành phần có nhựa, các loại cốc nhựa, các loại khăn ướt và một số sản phẩm vệ sinh khác.
Ngoài ra, Chỉ thị này cũng nhằm tới việc gắn trách nhiệm tài chính nhiều hơn đối với những tác nhân gây ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhằm vào các hãng sản xuất thuốc lá, chịu kinh phí thu gom đầu mẩu thuốc lá, sản xuất công cụ đánh bắt thủy hải sản (chịu kinh phí thu gom lưới đánh bắt bị vứt bỏ trên biển)…
Theo nguyên tắc hoạt động của Liên minh châu Âu, dự thảo Chỉ thị nói trên còn phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua vào thời gian tới. Tiếp đó, Chỉ thị sẽ được đăng tải trên Tờ báo chính thức của EU và có hiệu lực kể từ 20 ngày sau khi được đăng tải (dự kiến cuối tháng 7/2019)./.