Sau 2 ngày họp căng thẳng tại Brussels, Bỉ, Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đã chính thức khép lại. Đúng như dự đoán, loạt vấn đề trọng tâm của hội nghị là vấn đề người tỵ nạn, an ninh của khu vực hay thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - gọi tắt là Brexit, đều chưa đạt được nhiều đột phá.
Thủ tướng Anh Theresa May "mắc kẹt" trong bài toán Brexit. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Bắc Ireland - “Hòn đá tảng” ngăn cản Brexit
Brexit là chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu lần này khi trước và trong ngày đầu của Hội nghị, tất cả mọi sự quan tâm của chính giới, truyền thông lẫn dư luận châu Âu đều dồn vào việc liệu EU và Anh có đạt được một thoả thuận Brexit vào phút chót hay không. Tuy nhiên, sau phiên họp tối 17/10 thì câu trả lời đã được 27 nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra là “Không”.
Nguyên nhân là vì phía Anh đã không đưa ra được bất cứ đề xuất nào mới để có thể phá vỡ thế bế tắc liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland. Trong bài phát biểu của mình trước các nguyên thủ châu Âu, nữ Thủ tướng Anh Theresa May chỉ kêu gọi hai bên cố gắng, đồng thời thừa nhận rằng vấn đề Bắc Ireland là vấn đề khó khăn nhất phải giải quyết. Bà May cũng tuyên bố đã làm tất cả tìm ra một giải pháp có thể thực hiện về mặt pháp lý. Nhưng, điều quan trọng nhất là các đề xuất mới thì bà May đã không đưa ra.
Trên thực tế, giới phân tích ở châu Âu nhận định ở thời điểm này, bà May đang chịu sức ép chính trị quá lớn trong nước nên không thể đòi hỏi bà mạo hiểm đưa ra các ý tưởng mới. Các lãnh đạo châu Âu ý thức được điều này nên cũng đã không dồn ép bà May một cách cứng rắn như tại Hội nghị Salzburg cuối tháng 9/2018. Điều này thể hiện qua các phát biểu ôn hoà và tỏ ra lạc quan, dù thận trọng, của nguyên thủ châu Âu, như Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Áo...
Châu Âu hiểu rằng cần cho bà May thời gian để thu xếp ổn thoả các bất đồng trong nội bộ chính trường Anh, cho đến khi nào các quan điểm Brexit của bà May nhận được sự ủng hộ từ đa số chính giới cũng như nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Đến khi đó thì cả hai phía mới có thể sẵn sàng cho một thoả thuận chia tay.
Đến giai đoạn này, việc đạt được thoả thuận Brexit hay không là một thách thức về chính trị chứ không còn là một thách thức kỹ thuật và phần lớn thách thức chính trị này phụ thuộc vào việc bà May giải quyết bài toán chính trị tại nước Anh.
Thời hạn chót cho Brexit mập mờ
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, ngoài việc không đạt được thoả thuận Brexit, một điểm kém tích cực khác, đó là việc nguyên thủ 27 nước EU cũng đưa ra tuyên bố là họ chưa nhận thấy các tiến triển đủ lớn trong các đàm phán Brexit để có thể tổ chức một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường khác của EU trong tháng 11/2018.
Các nguyên thủ EU chỉ thống nhất ở việc tiếp tục ủng hộ tối đa đội ngũ đàm phán Brexit của EU do ông Michel Barnier làm Trưởng đoàn và kêu gọi tiếp tục đàm phán cho đến khi nào ông Barnier tuyên bố rằng các tiến triển đã đủ lớn thì các lãnh đạo EU sẽ lại nhóm họp.
Chính vì thế, về mặt lộ trình thời gian thì không có bất cứ đảm bảo nào là khi nào thì các lãnh đạo EU sẽ họp bàn để chốt vấn đề Brexit. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì trong tháng 11, còn chậm nhất cũng phải trong tháng 12/2018 bởi đó là thời hạn cuối cùng để đạt được thoả thuận, do sau đó thoả thuận này có đạt được thì cũng cần được Quốc hội của 27 nước thành viên EU thông qua.Hội nghị thượng đỉnh EU có tháo được “nút thắt” Brexit?
Chuyện được quan tâm bây giờ là trong những ngày tới, một khi hai bên nối lại đàm phán thì nội dung mới để đàm phán sẽ là gì.
Ý tưởng về việc kéo dài thời hạn quá độ của nước Anh trong EU sau khi Brexit có hiệu lực hiện đang được thảo luận nhiều, và theo tuyên bố của các lãnh đạo châu Âu như Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk hay Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì các nước EU sẽ chấp nhận đề xuất này không mấy khó khăn.
Vấn đề là liệu bà May có thuyết phục được các đồng minh cũng như đối thủ chính trị trong nước chấp nhận được đề xuất này không.
EU đối mặt với nhiều thách thức
Sau khi chủ đề Brexit thất bại vì không đạt được kết quả, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tập trung bàn thảo về vấn đề tị nạn, an ninh cũng như chống biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý là trong vấn đề tị nạn, Thủ tướng Áo, nước đang làm Chủ tịch luân phiên của EU, có đưa ra ý tưởng về “sự đoàn kết uỷ nhiệm”, theo đó các nước thành viên EU có thể lựa chọn tiếp nhận người tị nạn và di cư, hoặc cung cấp các chuyên gia và thiết bị cho việc tăng cường kiểm soát biên giới ngoại vi của khối, hoặc bằng các hình thức đóng góp khác. Nói cách khác là nước Áo muốn các nước đóng góp cho việc xử lý vấn đề tị nạn của khối bằng các cách thức khác nhau, chứ không bắt buộc phải tiếp nhận sự phân bổ người tị nạn từ phía Uỷ ban châu Âu.
Tuy nhiên, đề xuất này lập tức đã bị Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối vì cho rằng như thế là “không thực tế” và làm thế thì sẽ có nhiều nước thành viên tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn.
Một đề xuất cũng đáng chú ý khác được Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Antonio Tajani đưa ra là các nước từ chối nhận người tị nạn thì có thể bù đắp bằng việc chi nhiều tiền hơn cho các dự án phát triển tại châu Phi.
Về vấn đề kỷ luật ngân sách, EU cũng phát đi cảnh báo nghiêm khắc đối với Italy và yêu cầu nước này đưa ra các giải thích rõ ràng về việc cố tình vi phạm các quy định trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng của khối.
Một chủ đề khác cũng được quan tâm là vấn đề an ninh mạng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk tuyên bố châu Âu đã sẵn sàng xây dựng các cơ chế trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức hay nhà nước cố tình tấn công mạng hay tìm cách tác động vào nội tình các nước thành viên EU, đặc biệt trong các dịp bầu cử. Đây là chủ đề đang nóng tại châu Âu thời gian qua, sau các cáo buộc của Anh và Hà Lan về việc Nga cố tình gây chiến tranh mạng./.Thủ tướng Anh sẵn sàng cho thoả thuận Brexit, lãnh đạo châu Âu do dự