Liên Hợp Quốc vừa thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu. Đây được xem là một sự kiện “lịch sử”, hướng tới cấm hoàn toàn việc phát triển, lưu trữ hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi được tối thiểu 50 quốc gia ký phê chuẩn từ nay cho tới ngày 20/9. 

bom_h_zjyv.jpg
Hình ảnh một vụ nổ bom nhiệt hạch. Ảnh minh họa: AP.

Trong phiên họp của Liên Hợp Quốc diễn ra hôm qua (7/7) với sự tham gia của đại diện 124 quốc gia thành viên, Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân chính thức được thông qua với 122 nước bỏ phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng và 1 phiếu phản đối.

Hiệp ước bao gồm đầy đủ các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân, cấm bất kỳ quốc gia nào phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

Chủ trì phiên họp, bà Elayne Whyte Gómez, cho biết: “Hiệp ước đã nắm bắt được mong muốn của đại đa số đại biểu tham gia hội nghị. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi nó thể hiện sự nhiệt tình, hiểu biết và là kinh nghiệm chung của xã hội, từng gây áp lực lên cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ để tiến tới việc cấm vũ khí hạt nhân”.

Vòng đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại Liên Hợp Quốc đã diễn ra từ trung tuần tháng 6 vừa qua. Dự kiến hiệp ước sẽ được ký kết vào ngày 20/9 tới và sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được 50 quốc gia phê chuẩn. 

Tuy nhiên, không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel tham gia các cuộc đàm phán hay cuộc bỏ phiếu về hiệp ước cấm hạt nhân.

Ngay khi hiệp ước được thông qua, Mỹ, Anh, Pháp đã lên tiếng phản đối với lý do văn kiện không giải quyết được những quan ngại an ninh của các quốc gia sở hữu hạt nhân muốn duy trì kho vũ khí hạt nhân để làm công cụ răn đe trước hành vi tấn công hạt nhân, cũng như bỏ qua thực tế an ninh quốc tế, ví dụ như vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Khoảng 140 nước đã tham gia soạn thảo hiệp ước này.

Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng sự thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân./.