Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đề nghị NATO giúp đỡ vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chịu rút quân khỏi khu vực miền Bắc Iraq.

Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Washington, Mỹ, Phó phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Farman Haq cho biết, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã có cuộc liên lạc với các nhà lãnh đạo của cả 2 nước để tránh làm tình hình trở nên xấu hơn. 

turkish_soldiers_afp_5179_1449617478_cifc.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi hiểu giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ở cấp độ cao nhất đều đang có những cuộc tiếp xúc chặt chẽ với nhau nhằm xoa dịu tình hình. Tất nhiên là Liên Hợp Quốc khuyến khích hai bên giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đối thoại song phương mang tính xây dựng”, ông Ban Ki-moon nói.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đề nghị Liên minh quân sự NATO giúp đỡ khi thời hạn 48 giờ Thổ Nhĩ Kỳ phải rút binh sỹ ra khỏi Iraq đã qua đi. Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng triển khai binh sỹ ở miền Bắc Iraq nhưng không chịu tuân theo yêu cầu phải rút các binh sỹ đã đóng ở đó.

Thủ tướng al-Abadi đã điện đàm với Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg, trong đó gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sỹ là vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Trước đó, ngày 4/12, Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn các nguồn tin giấu tên đưa tin khoảng 150 binh sỹ, được 20-25 xe tăng hộ tống, đã đi bằng đường bộ tới thị trấn Bashiqa, gần thành phố Mosul, miền Bắc Iraq.

Các binh sỹ này sẽ thay thế lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được điều tới khu vực này cách đây 2 năm rưỡi nhằm huấn luyện cho các lực lượng vũ trang người Kurd ở Iraq (Peshmerga). Iraq ngay sau đó đã mô tả động thái này là vi phạm chủ quyền của Iraq, đồng thời yêu cầu các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ rút ngay lập tức.  

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rút quân khỏi Iraq, dù sớm hay muộn, bởi việc triển khai binh sỹ ở nước khác mà không được phép là điều không thể. Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Haldun Yalcinkaya tại Ankara cho rằng, việc rút binh sỹ có thể sẽ cần sự can thiệp của nhiều bên, đặc biệt là khi Iraq đã nhờ đến sự trợ giúp của NATO.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rút quân khỏi khu vực miền Bắc Iraq, thì đó sẽ không chỉ là quyết định của riêng Thổ Nhĩ Kỳ. Nó sẽ là quyết định của một liên minh”, nhà phân tích Yalcinkaya nói.

Iraq tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này là "giới hạn đỏ" mà nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tôn trọng. Tuyên bố của Chính phủ Iraq nêu rõ: “Hội đồng Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, chủ quyền quốc gia và các đường biên giới địa lý của đất nước là giới hạn đỏ, đặc biệt khi Chính phủ Iraq đã không ký thỏa thuận nào, hay cho phép nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua đường biên giới với bất cứ lý do nào”.

Nga cũng tuyên bố coi sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq là trái phép. Iraq đã hối thúc cộng đồng quốc tế cung cấp thêm vũ khí, hỗ trợ huấn luyện trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng từ chối hầu hết các hình thức can thiệp trực tiếp vì nghi ngờ vào ý đồ thực sự của các cường quốc nước ngoài./.