1. Hôm 7/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố, trong vòng 48 tiếng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân thìIraq sẽ cầu viện Liên Hợp Quốc giải quyết.

the_gioi_1_xnmu.jpg
Quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Telegraph.

Động thái này diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai thêm khoảng 600 quân đến miền bắc Iraq và từ chối rút quân bất chấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Iraq và cộng đồng quốc tế.

Cả Tổng thống, Thủ tướng và Ngoại trưởng Iraq đều lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân, coi đây là hành động thù địch và vi phạm luật pháp quốc tế. Iraq đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối.    

Ngày 7/12, Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức các cuộc thảo luận kín về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Iraq.

Đây được coi là dấu hiệu mới nhất của sự leo thang căng thẳng giữa Moscow và Ankara.

Theo nguồn tin từ Liên Hợp Quốc, các cuộc thảo luận kín về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria hôm 24/11 vừa qua, bắt đầu vào lúc 19h tối 7/12 ( theo giờ Mỹ) giữa 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Mỹ, quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này sẽ chủ trì các cuộc thảo luận.

2. Tỷ phú người Mỹ Trumpkêu gọi “cấm tiệt” việc nhập cảnhđối với người Hồi giáo muốn vào Mỹ, kể cả các công dân Mỹ Hồi giáo.

Tỷ phú Donald Trump. Ảnh: AP.

Ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump, đã kêu gọi đóng cửa hoàn toàn đối với những người Hồi giáo muốn nhập cảnh vào Mỹ cho đến khi nào các đại diện của quốc gia này “xác định rõ những gì đang diễn ra”.

Nhóm vận động của ông Trump vào hôm 7/12 ra thông cáo tuyên bố ông này cam kết ngăn người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.

Nhóm vận động của ông Trump biện minh cho việc phân biệt đối xử này bằng cách tuyên bố nhiều bộ phận dân cư Hồi giáo “mang lòng hận thù lớn đối với người Mỹ”.

3. Chiến thắng vang dội của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia ở vòng 1 bầu cử vùng hôm 6/12 khiếnchính trường Pháp hoang mang và chia rẽ nghiêm trọng.

Lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen phát biểu tại cuộc họp báo ở Lille

Đảng Mặt trận quốc gia (FN) đã về nhất tại 6/13 vùng trong nội địa nước Pháp. Trang Nhất các tờ báo lớn như Le Figaro và L’Humanité giật dòng chữ “Cú sốc”.

Có một chi tiết cần nhắc lại: cánh tả và cánh hữu đã độc chiếm vai trò lãnh đạo tại các vùng nước Pháp từ suốt 30 năm qua và chưa khi nào FN có thể chen chân vào “đánh chiếm” được dù chỉ một vùng. Đặc biệt, ở kỳ bầu cử vùng gần nhất năm 2010, các đảng cánh tả, dẫn đầu là PS, chiến thắng ở 21/22 vùng nước Pháp (số vùng bị sáp nhập, giờ chỉ còn 13 vùng).

Kết quả của vòng 1 cuộc bầu cử vùng hôm 6/12 trước hết là thất bại của cả nền chính trị Pháp hơn là thắng lợi đơn thuần của đảng Mặt trận quốc gia cực hữu FN.

4. Việc Mỹ buôn lỏng kiểm soát vũ khí ở Iraq sau cuộc chiến 2003 là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc IS lấy được nhiều vũ khí từ quân đội Iraq.

Vũ khí của IS

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hôm nay (8/12), công bố báo cáo cho biết, phần lớn vũ khí mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang sử dụng là do chiếm được của quân đội Iraq.

Theo tổ chức này, đây là hậu quả của hàng thập kỷ buôn lỏng quản lý mua bán và kiểm soát vũ khí ở Iraq.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, việc số vũ khí khổng lồ này rơi vào tay IS một phần là do Mỹ đã thiếu kiểm soát sau cuộc chiến ở Iraq năm 2003 với hàng tỷ USD chi vào việc vũ trang và huấn luyện cho lực lượng an ninh nước này. Tính đến năm 2014, chỉ riêng số vũ khí nhỏ và đạn dược mà Mỹ đưa đến Iraq đã có giá trị lên đến 500 triệu USD.

5. Mỹ đã nhất trí với Singapore về việc triển khai máy bay trinh sát Poseidon của Mỹlần đầu tiên ở Singaporetrong tháng 12 nhằm đáp trả việc Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Máy bay Poseidon. Ảnh: FlightJournal.

Trong một thông cáo chung sau cuộc gặp ở Washington vào hôm 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen hoan nghênh việc triển khai máy bay trên ở Singapore từ 7-14/12.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết trong tương lai có thể sẽ triển khai thêm máy bay ở Singapore.

Động thái này xuất hiện vào thời điểm căng thẳng leo thang ở Biển Đông xoay quanh các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

6. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đangdần lu mờđi để dành chỗ cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria, Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục trấn an Ukraine rằng, Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Ukraine đối mặt với các khó khăn.

Tuy nhiên, ông Biden cũng yêu cầu Ukraine phải thực thi cải cách chính trị và tăng cường cuộc chiến chống tệ tham nhũng, quan liêu, vốn đang được xem là một căn bệnh trầm kha trong xã hội nước này. Để hỗ trợ Ukraine, Mỹ sẽ cung cấp khoản tiền 190 triệu đô la để giúp Ukraine tăng cường luật pháp, cải cách trong lĩnh vực tư pháp, thu hút đầu tư và tư nhân hóa các công ty sở hữu nhà nước theo hướng minh bạch hơn.

Đáp lại sự ủng hộ của Mỹ, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố sẽ ủng hộ mạnh mẽ liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria: “Tôi khẳng định với ngài Phó Tổng thống sẵn sàng dành sự ủng hộ ở mức cao nhất cho liên minh quốc tế ở Syria. Ukraine sẽ sát cánh cùng liên minh chống khủng bố.”/.