Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã đưa ra đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung khoảng 100 người triển khai ở cả Damascus và ở Cyprus nhằm hoàn tất mục tiêu loại bỏ chương trình vũ khí hóa học ở Syria đúng hạn và an toàn nhất.

ban-ki-moon-1.jpg
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu tại Đại Hội đồng (Ảnh: AFP)

Trong một bức thư gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon viết: “Tôi đề nghị thành lập một nhóm làm việc chung bao gồm các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và các chuyên gia của Liên Hợp quốc để loại bỏ các kho vũ khí hóa học dự trữ của nước Cộng hòa Hồi giáo Syria”.

Hãng tin RIA Novosti  đưa tin, theo đề xuất của ông Ban, nhóm làm việc chung sẽ bao gồm khoảng 100 chuyên gia của OPCW và Liên Hợp Quốc, công việc của họ sẽ được phân chia theo từng lĩnh vực phù hợp với chuyên môn.

Cũng theo ông Ban, Liên Hợp Quốc cũng sẽ cung cấp các hỗ trợ hành chính cần thiết cho nhóm làm việc chung, giúp họ có thể “phối hợp và liên lạc với Chính phủ Syria và các nhóm đối lập” trong quá trình làm việc.

Ông Ban cũng cho hay, ông sẽ chỉ định "một điều phối viên dân sự đặc biệt" phụ trách việc giám sát hoạt động chung và liên lạc với Liên Hợp Quốc.

Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đưa ra đề xuất việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là “sự hiện diện đầu tiên tại Damascus” của các chuyên gia quốc tế để tham vấn với Chính phủ Syria nhằm sửa đổi và làm rõ các tài liệu về vũ khí hóa học mà phía Syria đã cung cấp cho OPCW.

Giai đoạn 2 bao gồm các hoạt động kiểm toán, thanh tra các cơ sở sản xuất, lưu trữ dự kiến sẽ được hoàn thành vào ngày 1/11. Giai đoạn 3 là giai đoạn “kết thúc sứ mệnh chung” đây là giai đoạn quan trọng nhất và sẽ phải cần đến “sự trợ giúp của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trong việc góp ý kiến, ủng hộ, đóng góp thiết bị và cung cấp an ninh theo các điều khoản thi hành, cả về mặt kĩ thuật và thực hiện”.

Giai đoạn này có thể được hoàn thành vào ngày 30/7/2014. Theo ông Ban, khi thực hiện giai đoạn 3, nhóm làm việc chung sẽ cần sự hỗ trợ của một căn cứ đặc biệt ở Cyprus để sẵn sàng hỗ trợ về mặt y tế, an ninh, kỹ thuật.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ lòng biết ơn đến Chính phủ Cyprus khi sẵn sàng giúp đỡ Liên Hợp Quốc thực hiện sứ mệnh của mình. Theo dự kiến, đề xuất của ông Ban Ki-moon sẽ được thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 10/10 tới đây.

Trong khi đó, các chuyên gia về vũ khí hóa học của OPCW đang có mặt ở Syria đã bắt đầu xúc tiến việc phá hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria.

Trước diễn biến nói trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra bình luận cho rằng, “tiến trình phá hủy vũ khí hóa học đã diễn ra với thời gian kỷ lục và chúng tôi trân trọng sự hợp tác của Nga cũng như sự tuân thủ của Syria”.

Ông Kerry nhấn mạnh: “Chỉ một tuần sau khi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được thông qua, một số loại vũ khí hóa học đã bị tiêu hủy, là điều có ý nghĩa lớn”.

Ngày 7/10, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Nga bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Nga và Mỹ cũng đã nhất trí hướng tới tổ chức một hội nghị đàm phán hòa bình Syria càng sớm càng tốt.

Phe đối lập Syria ra điều kiện tham dự Geneva 2

Ngày 7/10, lực lượng đối lập chính ở Syria, Liên minh Dân tộc Syria đã đưa ra danh sách các điều kiện cần được đảm bảo để lực lượng này đồng ý tham gia vào hội nghị hòa bình Geneva 2.

Thủ lĩnh Liên minh Dân tộc Syria Ahmed Jarba nói: “Chúng tôi không từ chối tham gia Geneva 2 nhưng chúng tôi yêu cầm đảm bảo cho sự thành công của hội nghị này. Và nếu chúng tôi nhận được những bảo đảm cần thiết chúng tôi sẽ tham gia”.

Ông Jarba cũng đề cập đến Iran như một “kẻ thù” và yêu cầu không nên để Tehran tham gia hội nghị Geneva 2 trong vai trò “trung gian hòa giải”, đồng thời yêu cầu "Hezbollah rời khỏi Syria”.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Ibrahim Alloush trả lời phỏng vấn của RT cho rằng, yêu sách của lực lượng đối lập là điều hoàn toàn dễ hiểu vì mục tiêu chính của họ không phải là đàm phán mà là để kích động sự can thiệp sâu hơn của phương Tây vào cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria.

Ông Alloush nói: “Tất cả các nhóm đối lập ở Syria bao gồm cả lực lượng Quân đội Syria Tự do và Liên minh Dân tộc Syria đều mong muốn Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự vào Syria thay vì giải giáp kho vũ khí hóa học của nước này một cách hòa bình”.

Ông Alloush kết luận: “Họ (phe đối lập ở Syria) không chỉ từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc mà còn nhiều lần công khai sự thờ ơ với hội nghị Geneva 2 để giải quyết vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria thông qua con đường ngoại giao”./.