Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/12 đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây nhất của nước này. Các nhà phân tích dự báo quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên.
Một phiên biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng bảo an nhằm cấm tới gần 90% xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế tới Triều Tiên bằng cách đặt ra giới hạn 500 nghìn thùng mỗi năm. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng yêu cầu việc hồi hương người lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 24 tháng, thay vì 12 tháng như được đề xuất trước đây.
Theo văn bản này, các nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên cũng bị giới hạn ở mức 4 triệu thùng mỗi năm. Mỹ trước đó đã kêu gọi Trung Quốc giới hạn cung cấp dầu cho Triều Tiên. Theo đại sứ Nhật tại Liên Hợp Quốc, bản nghị quyết được thông qua với toàn bộ 15 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống. Nhật hiện đang là chủ tịch của Hội đồng bảo an trong tháng 12.
Mới đây, Triều Tiên đã cáo buộc chính sách an ninh mới của Mỹ đã công khai ý đồ tấn công nước này và đe dọa sẽ khiến Washington hối tiếc sâu sắc vì chính sách thù địch. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết “Cộng đồng quốc tế nên nhận ra âm mưu của Tổng thống Trump định châm ngòi chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Bình Nhưỡng cáo buộc những đề nghị đối thoại mà Washington đưa ra chỉ nhằm che dấu "âm mưu xấu xa" và ý đồ lừa dối cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng tái khẳng định nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, công cụ duy nhất bảo vệ sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.
Ngày 29/11, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công môt quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có khả năng đạt tới các khu vực bên trong nước Mỹ. Căng thẳng đã gia tăng xung quanh các chương trình tên lửa và hạt nhân mà Triều Tiên theo đuổi bất chấp các nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Triều Tiên đã kêu gọi ngừng các lệnh trừng phạt mà nước này cho là tàn bạo và mang tính diệt vong đối với mình. Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ theo đuổi một giải pháp ngoại giao nhưng đã đề xuất các lệnh trừng phạt cứng rắn mới nhằm gây sức ép đối với nhà lãnh đạo Kim Jong un.
Triều Tiên thường đe dọa phá hủy Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản và tuyên bố các chương trình vũ khí của nước này là cần thiết đối với sự xâm lược của Mỹ. Hiện có khoảng 28,500 binh sỹ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.)./.
Sức mạnh quân sự đáng sợ của Triều Tiên và Mỹ trên bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc suy xét cẩn trọng dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Triều Tiên lại đối mặt với nguy cơ bị quốc tế trừng phạt
Hoãn tập trận, Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên
Hàn Quốc sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên vô điều kiện