Như vậy, các bên xung đột là Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine lại một lần nữa nhất trí ngừng bắn, vốn đã nhiều lần bị đổ vỡ trước đó, khi mà số người thương vong trong cuộc chiến không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, điểm khác trong lệnh ngừng bắn lần này là Israel đã rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza - một trong những điều kiện mà Hamas đưa ra để hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Quân đội Israel đã rút toàn bộ lực lượng gồm binh sỹ và xe tăng khỏi Dải Gaza.
Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Peter Lerner cho biết lệnh rút quân được đưa ra sau khi quân đội nước này đã hoàn tất chiến dịch phá hủy các đường hầm xuyên biên giới của phong trào Hamas.
Tuy nhiên, Israel sẽ tái triển khai quân tại các điểm phòng vệ bên ngoài Dải Gaza, đề phòng các trường hợp bị tấn công. Ít nhất 32 đường hầm và hàng chục lối vào đường hầm đã được định vị và bị phá hủy trước khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ có hiệu lực.
Những dấu hiệu tích cực trên đạt được khi mà hơn 1.800 người Palestine đã thiệt mạng vì đạn pháo của Israel kể từ khi quân đội nước này bắt đầu chiến dịch không kích hôm 8/7 và mở rộng sang tấn công trên bộ ngày 17/7 vừa qua ở Gaza.
Phía Israel cũng có khoảng 70 người chết. Không chỉ người Palestine ở Gaza phải sống trong cảnh “bị cái chết rình rập”, mà ngay cả người Israel ở khu vực miền Trung và Nam nước này cũng luôn cảm thấy sợ hãi khi mà xung đột leo thang thời gian qua.
Một số người dân ở thành phố Ashkelon, cách biên giới Gaza chỉ 10 km cho biết: “Tôi lại phải chạy vào phòng tắm khi nghe thấy tiếng máy bay oanh tạc và thật may sau đó tôi đã kịp xuống hầm trú ẩn”.
Cộng đồng quốc tế hy vọng thỏa thuận ngừng bắn lần này là cơ hội để mở ra đối thoại giữa các bên xung đột.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc cả Israel và phong trào Hamas "kiềm chế tối đa" và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mới. Ông kêu gọi các bên "khởi động, càng sớm càng tốt, tiến trình đàm phán ở thủ đô Cairo, Ai Cập về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cũng như các vấn đề cơ bản".
Ông Ban Ki-moon đánh giá cao những nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Dải Gaza của phái đoàn Palestine, đồng thời khẳng định Liên Hợp Quốc cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện các bên đạt một thỏa thuận chấm dứt xung đột tại vùng lãnh thổ này.
Hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tony Blinken cho rằng “đây là cơ hội thực sự” và việc có ngừng bắn được hay không là tùy thuộc vào Hamas.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về người bản địa ở Cochabamba, Bolivia, Tổng thống nước này Evo Morales kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các quyền của người Palestine: “Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết trong việc bảo vệ người Palestine. Nghĩa vụ của chúng ta là bảo vệ quyền con người từ đây. Chúng ta có thể làm được điều gì đó cho người Palestine thông qua các quyết định chính trị từ Bolivia”.
Trước đó, Bolivia ủng hộ Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về tình trạng vi phạm các quyền con người và tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.
Trong cuộc xung đột hiện nay, Israel bị dư luận thế giới lên án gay gắt, vì cho dù mục đích của họ là gì, thì việc gây ra cái chết của hàng nghìn người dân vô tội là hành động “không thể biện minh”.
Một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài là yêu cầu cấp thiết hiện nay và cả Israel và phong trào Hamas cần nhượng bộ và tìm lối thoát thông qua sự trung gian hòa giải của quốc tế.
Phía Hamas yêu cầu Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza, dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vùng lãnh thổ này và trả tự do cho các tù nhân của Hamas bị Israel giam giữ. Còn mục tiêu của Israel không chỉ dừng lại ở việc phá hủy hoàn toàn các đường hầm mà Hamas dùng để tấn công Israel, triệt tiêu khả năng quân sự của lực lượng này, mà xa hơn Israel còn muốn loại Hamas ra khỏi đời sống chính trị Trung Đông. Vì Israel coi Hamas là một tổ chức khủng bố và không bao giờ công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái./.