Tối 2/8, một phái đoàn đàm phán gồm đại diện các phe phái chính trị khác nhau của Palestine đã đến Cairo để đưa cho Ai Cập các điều kiện ngừng bắn với Israel tại Dải Gaza. Tuy nhiên, những yêu sách cơ bản chắc chắn vấp phải sự phản đối của Israel, nghĩa là hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza vẫn rất xa vời.

Một thành viên đoàn đàm phán cho biết, các phe phái của Palestine đã nhất trí về các điều kiện ngừng bắn, trong đó phần lớn là các yêu sách của Hamas được công bố hôm 15/7 vừa qua.

gaza_tr_uucn.jpgGaza chìm trong khói lửa sau các cuộc tấn công của Israel (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Ai Cập dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng các điều kiện được đưa ra với phía Israel bao gồm: mở lại tất cả các cửa khẩu biên giới với Gaza; rút lực lượng không quân khỏi không phận Gaza, từ bỏ can thiệp vào các vấn đề quốc gia của Palestine; mở rộng vùng đánh cá ngoài khơi Gaza lên 12 hải lý; cho phép người dân cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo Aqsa, xây dựng một cảng biển đặt dưới sự giám sát của quốc tế và tái thiết Gaza. Và hơn hết, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa do Israel áp đặt tại Dải Gaza vẫn là yêu sách hàng đầu trong số các điều kiện ngừng bắn của phía Palestine nhưng điều này chắc chắn vấp phải sự phản đối của Israel.

Trong khi đó, Israel hôm qua (2/8) tuyên bố sẵn sàng tiếp tục các chiến dịch ở Dải Gaza sau khi hoàn thành việc phá hủy những đường hầm mà các tay súng Palestine sử dụng để lẻn vào lãnh thổ nước này và tiến hành các vụ tấn công. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến đấu “phù hợp với các yêu cầu về quốc phòng” và “để lập lại an ninh trật tự” cho người dân.

Cũng trong ngày 2/8, hàng chục nghìn người đã biểu tình bên ngoài Nhà Trắng tại thủ đô Washington của Mỹ để bày tỏ sự tức giận trước tuyên bố cuả Thủ tướng Israel Netanyahu. Những người biểu tình kêu gọi hòa bình và chấm dứt giao tranh tại Dải Gaza, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự cho Israel. Trước đó, Quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản hỗ trợ 225 triệu USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel.

Một người biểu tình nói: “Họ chỉ biết đưa tiền và vũ khí cho Chính phủ Israel. Đó là tất cả những gì họ có thể làm và điều đó không ngăn cản được chiến tranh. Israel đang dội bom vào Palestine, giết hại dân thường nhưng chính phủ Mỹ vẫn không ngừng tài trợ cho cuộc chiến đó”.

Cùng ngày, hơn 5.000 người Malaysia thuộc các tín ngưỡng và chủng tộc khác nhau đã tụ tập tại Quảng trường Độc lập để bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Palestine và lên án các vụ tấn công của Israel ở Dải Gaza. Trong khi đó, tại Chile và Venezuela cũng có hàng nghìn người xuống đường ủng hộ Palestine và lên án Israel. Ông Kamel Hawwash Phó chủ tịch Chiến dịch đoàn kết với Palestine, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh cho rằng, những gì Israel đang làm chỉ làm xấu đi hình ảnh Nhà nước Do Thái trong mắt cộng đồng quốc tế.

Ông Hawwash nói: “Điều thấy rõ ở đây là Israel gây ra thương vong cho dân thường còn các nhóm vũ trang thì nhằm vào các tay súng có ý định giết hại người Palestine. Đáng buồn là dường như cộng đồng quốc tế đang để cho Israel lộng quyền. Điều mà Israel đang làm chỉ tạo ra làn sóng phản đối về phía họ. Nhưng đáng tiếc là chính người dân Israel, trong đó có đến 90% ủng hộ chiến dịch tấn công Gaza lại không hiểu rằng sự thù hằn không đem lại lợi ích gì cho chính họ”.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, tình hình hiện nay ở Gaza là “không thể bỏ qua”. Ông Hammond nhấn mạnh rằng công luận Anh vô cùng phẫn nộ trước những tình trạng bạo lực kinh hoàng ở Dải Gaza và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn vô điều kiện vì mục đích nhân đạo”.

Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg nói: “Nếu Israel muốn đảm bảo an ninh lâu dài cho người dân nước này thì họ cần phải sử dụng thiện chí chính trị thay vì sức mạnh quân sự để phá vỡ vòng xoáy bạo lực luẩn quẩn hiện nay”.

Những phát ngôn này cho thấy giới chức phương Tây, hay ít nhất là giới chức Anh đang “nóng mặt” vì chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza và việc có một lệnh ngừng bắn hay không phụ thuộc nhiều vào sức ép mà Mỹ và phương Tây đặt lên Israel./.