Ngày 12/7, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh đã bắt đầu được thực thi tại thủ đô Juba của Nam Sudan. Lệnh ngừng bắn được đưa ra sau 4 ngày giao tranh đẫm máu làm hàng trăm người thiệt mạng và khiến gần 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

sudan_dasi.jpg
Binh sỹ quân đội Nam Sudan làm nhiệm vụ ở thủ đô Juba. (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin AFP của Pháp, bầu không khí tại thủ đô Juba khá yên ắng, cho phép người dân ra khỏi nhà. Không có máy bay trên bầu trời, trên phố không có xe tăng, pháo và binh sĩ có vũ trang. Các tiểu thương đã trở lại với những khu chợ vốn rất sầm uất. Các tình nguyện viên và nhân viên Hội Chữ thập Đỏ Nam Sudan đang cố gắng chữa trị cho những người bị thương và  thực hiện việc quy tập thi thể người chết trong những ngày giao tranh vừa qua.

Một y tá của Hội Chữ thập Đỏ Nam Sudan cho biết: “Chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ, từ thuốc men cho đến cả trang phục. Một trong những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt đó là đến 90% các bệnh nhân đều bị thương bởi súng đạn, nhiều viên đạn vẫn còn găm trong cơ thể họ. Họ cần phải được phẫu thuật ngay, nếu không rất có thể họ bị tử vong”.

Phái bộ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) cho biết, các sân bay ở thủ đô đã được mở cửa trở lại, mặc dù các chuyến bay thương mại vẫn còn chưa thực sự hoạt động.

Làn sóng bạo lực tại Nam Sudan bùng phát từ đêm 8/7, làm hơn 300 binh sĩ thiệt mạng riêng trong một ngày, sau đó tạm ngừng trong ngày Độc lập 9/7 và nối lại ác liệt hơn vào ngày 10/7. Tình trạng bạo lực làm dấy lên lo ngại nội chiến tái diễn.

Trước tình hình đó,  Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Phó Tổng thống nước này Riek Machar đã kêu gọi những lực lượng trung thành của mình ngừng bắn sau 4 ngày giao tranh ác liệt ở thủ đô Juba .

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước SSTV, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei dẫn thông báo của Tổng thống Kiir nói: “Tất cả chỉ huy lực lượng phải thực hiện lệnh ngừng bắn, kiểm soát binh sĩ của mình . Ngoài ra những chỉ huy này cũng phải đảm bảo rằng, họ phải bảo vệ dân thường cùng tài sản của họ”.

Cũng theo Bộ trưởng Makuei, Tổng thống Kiir khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 8/2015 giữa ông và Phó Tổng thống Machar nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Trong bối cảnh bạo lực bùng phát tại Nam Sudan, các quốc gia và tổ chức quốc tế như Mỹ, Nam Phi, Kenya, Liên đoàn Arab đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực bùng phát trong vài ngày qua ở Nam Sudan. Các quốc gia và tổ chức này bày tỏ, các vụ đấu súng tại thủ đô Juba của Nam Sudan đe dọa đến những triển vọng đã đạt được trong thỏa thuận hòa bình cũng như đối với chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc mới được thành lập tại quốc gia non trẻ này.

Còn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí tại quốc gia này và trừng phạt các lãnh đạo cũng như các chỉ huy lực lượng không thực thi thỏa thuận hòa bình và cản trở sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS).

Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng lên án mạnh mẽ việc hai nhân viên gìn giữ hòa bình người Trung Quốc đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh mới nhất tại thủ đô Juba./.