Đề cập tình hình Ukraine, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi “nỗ lực hết sức tránh để xung đột leo thang và mở rộng, dẫn đến cục diện không thể kiểm soát được". Ông khẳng định Trung Quốc ủng hộ châu Âu đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy đàm phán hòa bình và cuối cùng là thiết lập “một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững”.
Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi châu Âu “thể hiện trách nhiệm lịch sử và sự khôn ngoan chính trị, tập trung vào an ninh lâu dài của châu Âu và tìm kiếm thúc đẩy giải quyết vấn đề theo cách có trách nhiệm”, đồng thời khẳng định “An ninh của châu Âu nên được giữ trong tay của chính người châu Âu”.
Ông Tập Cận Bình tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với “tự chủ chiến lược” của Liên minh châu Âu, nhấn mạnh mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu “không nhắm mục tiêu, phụ thuộc hay chịu sự kiểm soát bởi bên thứ ba” và cho rằng đây là “đồng thuận chiến lược mà cả hai bên nên tuân thủ về lâu dài”.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi Trung Quốc và Đức - với tư cách là những nước lớn có ảnh hưởng - phát triển mối quan hệ song phương lành mạnh, ổn định và khai thác tốt hơn vai trò ổn định, xây dựng và dẫn dắt của mối quan hệ Trung Quốc-Đức. Ông đã liệt kê các lĩnh vực hai nước có thể đi sâu hợp tác, như ứng phó với biến đổi khí hậu, chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, an ninh năng lượng và lương thực, ổn định chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn Đức ủng hộ và tham gia vào hai sáng kiến mới mà ông đề xuất, gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Về phần mình, theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Đức sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp với Trung Quốc trên mặt trận đa phương cũng như thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ châu Âu-Trung Quốc. Ông khẳng định Đức hoan nghênh Trung Quốc mở rộng mở cửa tiêu chuẩn cao và điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho Đức./.