Ngày 5/10, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bước vào ngày họp cuối cùng để tổng hợp các đề xuất đã được các quan chức cấp cao (SOM) APEC nhất trí trong Hội nghị diễn ra 2 ngày trước đó, và chuẩn bị các nội dung cho chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2013, sẽ diễn trong các ngày 7 và 8/10.

lanh-dao-ngoai-giao-thuong-.jpg
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chụp ảnh lưu niệm ngày 4/10 (Ảnh: Reuters)

Với chủ đề "Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Động lực tăng trưởng toàn cầu", các hội nghị cấp cao, cấp Bộ trưởng thảo luận về 3 ưu tiên chính là: đạt được các mục tiêu ở Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng, đồng thời thúc đẩy kết nối trong khu vực.

Là một trong những nhà lãnh đạo tham gia thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke nhận định, APEC đã phát triển “vượt xa mức mong đợi” để trở thành một diễn đàn không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị chủ chốt của khu vực.

Cựu Thủ tướng Australia nhấn mạnh, APEC được thành lập năm 1989 trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ và có sự dịch chuyển, tái phân bổ quyền lực cũng như trọng tâm của kinh tế hướng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Qua gần 25 năm phát triển, dù Tuyên bố Bogor năm 1994 vẫn chưa đạt được kết quả nhất định, nhưng cựu Thủ tướng Bob Hawke vẫn tỏ ra hài lòng với sự phát triển hiệu quả và tiến bộ đáng kể của APEC.

Phát biểu trước khi lên đường đến Indonesia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh, việc diễn đàn này tập trung vào hội nhập khu vực đã tạo một chương trình nghị sự kinh tế mang tính xây dựng, cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về an ninh và kinh tế.

Trong khi đó, Thủ tướng Peru Ollanta Humala cho biết, tham dự Diễn đàn APEC lần này, ông sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại hướng tới xây dựng “những mối quan hệ chiến lược” với các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Về phần mình, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á nói riêng và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, coi đây là một động lực để thúc đẩy kinh tế và việc làm trong nước cũng như góp phần cho sự tăng trưởng bền vững của các đối tác phát triển.

Trong khuôn khổ Tuần lễ APEC đang diễn ra tại Indonesia cũng đã có nhiều diễn đàn quy tụ các cơ quan chức năng chính phủ, tổ chức xã hội và doanh nghiệp thảo luận về Chương trình đạt được tăng trưởng bền vững và công bằng của APEC. Trong đó, các vấn đề phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tăng cường phúc lợi cho nông dân, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trao quyền kinh tế và nâng cao trình độ cho phụ nữ, an ninh lương thực, tiếp cận vốn cho khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi đây là những lĩnh vực mà các nền kinh tế đang phát triển chiếm đa số trong APEC đặc biệt quan tâm.

Theo kế hoạch, trong ngày họp cuối cùng hôm nay (5/10), các Bộ trưởng APEC sẽ ra tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm của APEC ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở cửa hơn, tăng trưởng bền vững và cân bằng, cũng như kết nối khu vực để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong toàn bộ khu vực./.