Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đang họp cùng quan chức hàng đầu của 2 nước để nỗ lực đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội lần này. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí về những điểm gì trong ngày hôm nay, văn bản đó cũng sẽ được đem ra so sánh với những gì 2 nhà  lãnh đạo đạt được ở Singapore tháng 6 năm ngoái.

trump_kim_di_dao_enej.jpg
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dạo trong khuôn viên khách sạn sau cuộc gặp 1-1. (Ảnh: CNN)

Khi đó, Mỹ và Triều Tiên đã cam kết 4 điểm:

1.     Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước vì hòa bình và thịnh vượng.

2.      Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng hỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

3.     Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018, CHDCND Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

4.     Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết tìm lại hài cốt POW/MIA [tù nhân chiến tranh/những người mất tích khi làm nhiệm vụ - ND], bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những người đã được xác định.

Trước cuộc đàm phán tại Việt Nam lần này, các quan chức Mỹ đã bày tỏ  hy vọng trong các sẽ đạt được tiến bộ theo 4 điểm trên, đặc biệt là 3 điểm đầu tiên.

Về điểm thứ nhất, mục tiêu thiết lập “quan hệ mới” giữa Mỹ và Triều Tiên đang dần đạt được, bước đầu từ bầu không khí cởi mở và thân thiện của cuộc họp tại Hà Nội lần này dù đây mới chỉ là lần thứ hai 2 nhà lãnh đạo gặp nhau. Hai bên có thể tiến thêm 1 bước nữa qua cuộc họp lần này với việc thành lập 1 văn phòng liên lạc lâu dài của Mỹ tại Bình Nhưỡng, góp phần cải thiện hơn nữa quan hệ ngoại giao.

Về điểm thứ hai, để đảm bảo “hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên, có thể 2 bên sẽ đưa ra được một thông báo chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn vẫn ở tình trạng đình chiến từ năm 1953. Tuy nhiên, đây sẽ là một quyết định khó khăn đối với ông Trump bởi điều này có thể buộc Mỹ giảm hiện diện quân sự tại Hàn Quốc.

Về điểm thứ ba, cũng là điểm quan trọng nhất, Mỹ muốn một đưa ra được một định nghĩa đồng nhất của 2 nước về phi hạt nhân hóa cũng như vạch ra một lộ trình để đạt mục tiêu đó. Thành công của hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội chủ yếu sẽ được đánh giá ở điểm này./.