Trong một thông báo ngắn gọn, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden tiếp tục thúc giục Nga giảm leo thang căng thẳng và nhắc lại quan điểm rằng việc Nga triển khai quân đội dọc theo biên giới với Ukraine là không thể chấp nhận được, cũng như việc không có ý định triển khai vũ khí tấn công tại Ukraine.
Ông Biden cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp ngoại giao thông qua hàng loạt phiên đối thoại sắp diễn ra, nhưng cho rằng đối thoại chỉ có thể đạt được tiến bộ thực chất trong lúc căng thẳng giảm bớt chứ không phải leo thang.
Trong khi đó, theo thông tin từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga nhấn mạnh việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới có thể làm đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Nga - Mỹ. Ngoài ra, nếu Mỹ triển khai vũ khí tấn công đến Ukraine thì Nga sẽ có các hành động đáp trả tương tự.
Theo đánh giá của giới chức Mỹ, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong không khí nghiêm túc và thực chất nhằm tạo động lực và định hướng chung cho các cuộc đàm phán an ninh sắp diễn ra. Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Nga và được xem là là sự khởi đầu mới cho hàng loạt các cuộc đàm phán liên quan đến an ninh tại châu Âu vào đầu năm tới.
Theo kế hoạch, ngày 10/1 tới sẽ diễn ra Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ - Nga tại Geneva (Thụy Sỹ), sau đó là phiên họp Hội đồng Nga - NATO vào ngày 12/1 tại Brussels (Bỉ) và phiên họp mở rộng giữa Mỹ, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13 tại Vienna (Áo).
Trước đó, theo thông báo từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cũng đã đã gửi điện mừng Giáng sinh và Năm mới tới người đồng cấp Mỹ Joe Biden, trong đó nhấn mạnh hai nước phải gánh trách nhiệm cụ thể về an ninh khu vực và quốc tế nên có thể và cần mối quan hệ mang tính xây dựng, cùng nỗ lực đối phó với các thách thức và đe dọa mà nhân loại đang phải đối mặt./.