Trong bức thư mời dự hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến gửi đến lãnh đạo 27 nước thành viên EU vào ngày 24/02, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel thông báo, các lãnh đạo châu Âu sẽ dành ngày làm việc đầu tiên, 25/02, để tập trung thảo luận các chính sách tiếp theo nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, trong đó ưu tiên lớn sẽ bàn về vấn đề vaccine.
Hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, Ủy ban châu Âu đang bị nhiều quốc gia thành viên chỉ trích nặng nề vì lựa chọn sai lầm trong việc đặt mua vaccine của các hãng dược phẩm, cũng như sự chậm trễ trong việc phê duyệt và phân phối vaccine đến các nước. Tính đến tuần cuối của tháng 2/2021, chỉ mới có 6% dân số EU được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong khi con số này tại Anh, nươc vừa rời khỏi EU, là 27%.
Ngoài thách thức thúc đẩy chương trình tiêm vaccine, các lãnh đạo EU cũng sẽ tiếp tục thảo luận về đề xuất phát hành “hộ chiếu vaccine” cho những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, qua đó nới lỏng điều kiện di chuyển cho các công dân châu Âu đã tiêm vaccine và mở cửa lại ngành du lịch các nước. Các nước Nam Âu vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này. Trong một phát biểu tuần cách đây không lâu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cũng đồng tình với đề xuất này.
“Điều đầu tiên, rất đơn giản, đó là các công dân bắt buộc phải tiêm vaccine thì mới được cấp chứng nhận. Đó là yêu cầu y tế cần thiết. Đây cũng là hướng đi đúng đắn, nhưng chứng nhận này cần phải được tất cả các nước công nhận và đạt được các yêu cầu từ Tổ chức Y tế thế giới. Đó là những điều cần phải rõ ràng”, bà Leyen nói.
Tuy nhiên, khác với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng một số nước thành viên khác như Đức, Pháp vẫn chưa ủng hộ ý tưởng này vào thời điểm hiện nay vì cho rằng, việc phát hành “hộ chiếu vaccine” sẽ tạo ra phân biệt đối xử với những công dân chưa tiêm vaccine hay không đồng ý tiêm vaccine bởi tại Đức, Pháp và nhiều nước khác, việc tiêm vaccine đều là tự nguyện, không bắt buộc.
Ngoài ra, nhiều nước thành viên EU nhận định, trong bối cảnh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Âu đang trì trệ và chưa có số liệu khoa học chứng minh hiệu quả thực sự của việc tiêm vaccine, việc sớm cho phép tự do di chuyển có thể tạo ra nguy cơ tái bùng phát dịch.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo đưa ra tại hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến lần này, giới lãnh đạo EU dường như đã thống nhất được về nguyên tắc sẽ ban hành một chứng chỉ tiêm vaccine dưới dạng kỹ thuật số, được chấp nhận trên toàn cầu. Vấn đề khúc mắc lớn nhất là chứng chỉ này sẽ được cấp vào giai đoạn nào của chiến dịch tiêm vaccine tại châu Âu.
Ngoài chủ đề nóng về vaccine, trong ngày họp thứ hai, 26/2, lãnh đạo các nước EU sẽ họp bàn về vấn đề an ninh, quốc phòng, với sự tham dự của Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg./.