Theo số liệu mới của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 1/4, lạm phát ở châu Âu tăng vọt lên mức kỷ lục 7.5% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới, đặc biệt là giá năng lượng do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang gây áp lực lên người tiêu dùng và các ngân hàng quốc gia phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng hiện nay.
Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, Eurostat, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 7,5% trong tháng 3. Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát ở khu vực đồng euro lập kỷ lục, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997.
Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc chi trả phí sinh hoạt. Chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở châu Âu, với mức giá đã tăng 44,7% trong tháng trước.
Theo cơ quan thống kê Eurostat, giá dầu và khí đốt đã tăng do nhu cầu ngày càng cao từ các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 đặc biệt mức tăng trở nên đáng lo ngại hơn khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt đã áp đặt tới Nga, do đó nguồn cung năng lượng cũng đã gặp nhiều hạn chế.
Lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức hai con số ở một số quốc gia thành viên EU, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%, tỷ lệ tăng chậm nhất được ghi nhận ở Malta, với mức tăng 4,6%. Đối với các quốc gia thành viên quan trọng của EU thì lạm phát ở Đức đã tăng 7,6%, Pháp là 5,1%, Italia là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%.
Ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng điều tiết đà tăng lạm phát. Các quốc gia châu Âu không sử dụng đồng euro như Cộng hòa Séc, Anh, Na Uy cũng đang triển khai động thái tương tự.
Trong khu vực đồng euro, đã có sự tăng giá đối với các loại chi tiêu khác ngoài năng lượng. Chi phí thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 5%, so với mức cũ 4,2% của tháng trước, trong khi giá các mặt hàng như quần áo, thiết bị gia dụng, ô tô, máy tính và giá dịch vụ tăng khoảng 0,3%, so với thời điểm trước đó./.