Như tin đã đưa, tối 18/3, lực lượng an ninh Tunisia đã kết thúc vụ bắt cóc con tin tại bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, Tunisia. Báo cáo của Tunisia cho biết, có khoảng 20 nạn nhân thiệt mạng và ít nhất 44 người bị thương trong vụ tấn công này, hầu hết các nạn nhân đều là khách du lịch.
Thủ tướng Tunisia Habib Essid thông báo, các nạn nhân đến từ ít nhất 8 quốc gia bao gồm 3 người Nhật, 4 người Italy, 2 người Colombia, 2 người Tây Ban Nha, 1 người Australia, một người Ba Lan, một người Pháp, 2 người Tunisia và số còn lại chưa được xác minh.
Ông Habib Essid cho biết thêm, có ít nhất 44 người bị thương, trong đó có 13 người Italy, 7 người Pháp, 4 người Nhật, 2 người Nam Phi, một người Ba Lan, một người Nga và 6 người Tusinia.
Du khách bất lực chứng kiến vụ xả súng nổ ra
Một trong những nạn nhân của Italy đã được xác định danh tính là ông Francesco Caldara (một người về hưu 64 tuổi đến từ thành phố Novara) báo La Stampa đưa tin. Bài báo viết, Caldara đã tử vong vì trúng đạn khi ông ngồi trên một chiếc xe bus bên ngoài bảo tàng Bardo.
Caldara đến Tunis trong chuyến hành trình thăm Địa Trung Hải trong 7 ngày. Bạn đồng hành của ông, bà Sonia Reddi, cũng bị thương trong vụ tấn công. Cả hai đều được đưa tới bệnh viện nhưng ông Caldara đã trút hơi thở cuối cùng tại đây.
Chị của bà Sonia Reddi kể lại: "Sonia gọi cho tôi lúc 12h30. Bà ấy đã khóc và tuyệt vọng. Bà ấy nói với tôi rằng bà ấy bị thương ở cánh tay, nhưng bà sợ rằng ông Francesco đã chết. Sau đó, bà Sonia gọi trở lại lúc 1h và nói chuyện với con gái tôi Milena. Bà ấy bị sốc và nói rằng ông Francesco đã bị thương rất nghiêm trọng”.
Những nhân chứng còn sống sau vụ xả súng đẫm máu đã kể lại rằng các du khách chỉ biết đứng nhìn bất lực khi các tay súng ra tay.
Josep Lluis Cusido, một người Tây Ban Nha ở bên trong bảo tàng khi cuộc tấn công bắt đầu, cho biết anh phải trốn phía sau một cây cột. “Tôi nhìn thấy một đám người chạy tán loạn khỏi một chiếc xe và chúng (những tay súng) bắt đầu gom tất cả mọi người xuống quảng trường vào lúc đó”, anh Josep Lluis Cusido kể lại.
Ông Cusido, thị trưởng của một thị trấn Tây Ban Nha, cho biết ông và vợ ông đã trốn gần 3 tiếng đồng hồ bên trong bảo tàng trước khi được giải cứu.
Chị Noriko Yuki, một nạn nhân 35 tuổi đến từ Nhật Bản, cho biết chị đã may mắn sống sót sau khi chị và mẹ trúng phải một loạt đạn. Từ giường bệnh của mình, chị Yuki nói trên đài NHK rằng: “Tôi đã úp mặt xuống và giơ 2 tay lên che đầu, nhưng tôi đã bị trúng đạn vào tai, tay và cổ. Mẹ tôi (năm nay đã 68 tuổi) ở ngay bên cạnh và bị bắn vào cổ”.
Nỗi đau thương còn lại
Không phải ai cũng được may mắn thoát chết như chị Noriko Yuki. Có tất cả 3 nạn nhân thiệt mạng ở Nhật Bản. Trong khi Nhật Bản đang còn chao đảo vì vụ 2 con tin bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết, vụ việc 3 con tin khác bị thiệt mạng ở Tunisia càng khiến nước này đau buồn hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu: “Chúng tôi đang cố hết sức để xác nhận nơi ở của công dân Nhật Bản ở Tunis. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những gia đình phải chịu sự mất mát trong sự kiện này”.
“Chúng ta hoàn toàn không tha thứ cho hành động khủng bố và chúng tôi mạnh mẽ lên án chúng. Chúng tôi đã lên kế hoạch làm việc với các quốc gia khác nhằm tăng cường sự hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố”, Thủ tướng Nhật nói.
Tối 18/3, phát ngôn viên của chính phủ Nam Phi Clayson Monyela tuyên bố, hiện nước này cũng chưa rõ có người dân Nam Phi nào thiệt mạnh hay không. Phát ngôn viên Monyela nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương để xác nhận danh tính của người dân Nam Phi. Chúng tôi lên án cuộc tấn công hèn nhát và dã man này”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande chia sẻ, ông rất buồn khi biết tin cái chết của hai công dân Pháp. Ông Hollande nói thêm, 7 khách du lịch người Pháp khác đã bị thương.
Văn phòng Ngoại giao Anh thông báo, có 2 công dân Anh bị ảnh hưởng bởi vụ “xả súng” nhưng không nói rõ liệu 2 người này đã bị chết hay bị thương.
Bộ trưởng Ngoại giao của Tây Ban Nha, José Manuel García-Margallo cho biết, có 2 người Tây Ban Nha đã chết trong cuộc tấn công. Ông nói với tờ El Pais rằng họ là một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu đến từ vùng Catalonia đã đi tàu đến Tunis.
Cầu nguyện cho gia đình nạn nhân
Ngày 19/3, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho hay, một nam giới Australia gốc Colombia nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng. Người đàn ông đó là một chuyên gia kinh tế Javier Camelo, 28 tuổi, đến từ Sydney. Camelo từng làm việc cho ấn phẩm American Express ở Sydney.
Ngày 19/3, Giám đốc điều hành của trang báo này ở Australia và New Zeand, ông Rachel Stocks bày tỏ sự thương tiếc cho chuyên gia kinh tế Javier Camelo.
"Ngày hôm nay, American Express tiếc thương trước sự ra đi của người đồng nghiệp Javier Camelo, người thiệt mạng trong vụ tấn công ở Tunisia. Chúng tôi dành suy nghĩ và những lời cầu nguyện đến bạn bè và người thân của ông Javier trong khoảng thời gian khó khăn này”, ông Rachel Stocks nói.
Trong một thông điệp đăng trên Facebook, Rasia Sanderson, một người bạn của Camelo, cho biết cô rất đau lòng và cảm ơn anh vì những nụ cười, vì khoảng thời gian vui vẻ và hạnh phúc mà họ có với nhau.
"Javier thân mến, chưa bao giờ tôi lại nghĩ rằng bạn là một trong những nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố qua màn hình tivi và máy tính”, Rasia Sanderson viết.
Chuyên gia kinh tế Camelo cũng là con trai của một vị tướng của Colombia,tướng José Arturo Camelo. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Tunis với đài phát thanh địa phương, Tướng Camelo nói rằng ông và người con trai thứ hai không hề hấn gì.
Tổng thống Colombia, Juan Manuel, đã viết trên Twitter rằng: "Chúng tôi đau xót trước cái chết của hai người Colombia ở Tunis (anh Camelo và mẹ của anh) đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình của họ”.
Còn đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle Obama, người đang có chuyến thăm tới Tokyo, cho biết: “Tôi xin được chia buồn trước sự kiện kinh hoàng ngày 18/3 tại Tunisia. Trái tim của chúng tôi hướng đến thân nhân các nạn nhân và hôm nay chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho họ”./.