Tunisia, vốn được biết đến là tương đối ổn định sau khi cơn lũ Mùa Xuân Arab quét qua một loạt quốc gia Trung Đông, hiện đang lao vào truy tìm 3 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công khủng bố mới đây tại bảo tàng Bardo ở Tunis.
Thủ tướng Essid lên tiếng: “Đó là một cuộc tấn công hèn nhát, chủ yếu nhằm vào nền kinh tế Tunisia. Chúng ta cần phải đoàn kết để bảo vệ đất nước của chúng ta”.
Khi tiếng súng rộ lên, các du khách (đa số là người ngoại quốc) hoảng loạn chạy tứ tung. Các nghị sĩ Tunisia đã mở cửa tòa nhà quốc hội để đón một số du khách chạy khỏi bảo tàng.
Các nghị sĩ khi đó được nhắc nằm rạp xuống đất khi diễn ra đấu súng giữa các tên khủng bố và lực lượng cảnh sát.
Có sự dính líu của IS?
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Tunisia Mohamed Ali Aroui nói trên đài phát thanh quốc gia rằng những kẻ tấn công là các phần tử Hồi giáo chủ nghĩa.
Mohammed Ali Troudi, một tài xế taxi ở thủ đô Tunis, nói với CNN rằng các phần tử khủng bố muốn phá hoại nền kinh tế bằng cách xua đuổi khách du lịch.
Theo tổ chức thông tin tình báo SITE, cuộc bắt giữ con tin tại bảo tàng Bardo diễn ra chỉ vài ngày sau khi một phần tử thánh chiến Tunisia đăng trên mạng xã hội Twitter nội dung cho rằng sẽ sớm xuất hiện lời thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi – thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.
Trên mạng internet, những kẻ ủng hộ IS đã ăn mừng vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, từ phía tổ chức khủng bố IS vẫn chưa thấy tuyên bố chính thức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công bảo tàng Bardo.
Christopher Chivvis, một chuyên gia an ninh tại công ty RAND nhận định: “Có vẻ vụ khủng bố này do nhóm IS tiến hành nhưng vẫn còn các khả năng khác, như nhóm địa phương Ansar al Shariah và nhóm al-Qaeda”.
Jon Marks, một chuyên gia tại túi khôn Chatham House (trụ sở ở London), cho biết các phần tử cực đoan ở Tunisia đã đưa ra các đe dọa chống lại “số đông người Tunisia hướng ngoại và thân thiện với giới đầu tư”.
Chính phủ Tunisia đã phải chiến đấu chống lại lực lượng jihad ở khu vực vùng núi Chaambi.
Hồi tháng 2/2015, Bộ Nội vụ Tunisia công bố đã bắt khoảng 100 nghi phạm cực đoan. Họ cũng công bố đoạn video cho thấy các phần tử cực đoan sở hữu một công thức chế thuốc nổ cùng bức ảnh thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Người ta tin rằng có tới 3.000 người Tunisia đã sang Iraq và Syria để tham gia thánh chiến tại đó – số lượng này lớn hơn bất cứ nước nào khác, theo Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Quá trình cực đoan hóa có trụ sở ở London (Anh)./.