Số liệu này vừa được Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ công bố ngày 31/5. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 thập kỷ qua, kinh tế Ấn Độ suy thoái trong cả 1 năm tài chính.
Tiêu dùng nội địa giảm do tác động của đại dịch Covid-19 hơn 1 năm qua được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng chậm chập của nền kinh tế Ấn Độ. GDP thực tế hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo giá cố định (2011-12) trong giai đoạn 2020-2021 ước đạt 1.900 tỷ USD, thấp hơn mức ước tính 2.051 tỷ USD của giai đoạn 2019-2020.
“Tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2020-2021 được ước tính là âm 7,3% so với 4% trong giai đoạn 2019-2020”. Thông báo của Văn phòng Thống kê Quốc gia (NSO) cho biết. Mức sụt giảm này khả quan hơn so với các dự báo trước đó, theo đó kinh tế Ấn Độ được cho là suy giảm ở mức 8%.
Dự báo về tác động của làn sóng lây nhiễm SARS - CoV-2 thứ hai ở Ấn Độ hiện tại, các nhà kinh tế cho rằng, kinh tế Ấn Độ trong năm tài chính 2021-2022 sẽ bị ảnh hưởng dù thiệt hại chỉ giới hạn trong quý 1 (từ tháng 4-6/2021). Đợt dịch đang diễn ra sẽ tác động tới quá trình phục hồi tích cực ở giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021. Tuy nhiên, làn sóng thứ 2 sẽ không gây hậu quả lớn như đợt dịch năm ngoái, do các bang chỉ áp dụng các lệnh phong tỏa và giới nghiêm cục bộ.
Điểm khác biệt tiếp theo là đợt dịch năm 2021 sẽ tấn công vào tiêu dùng cá nhân của Ấn Độ - một động lực chính của nền kinh tế. Chi tiêu cá nhân giảm do nhiều người Ấn Độ mất việc làm và thu nhập giảm. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 năm ngoái chủ yếu tác động tới lĩnh vực sản xuất.
Thách thức hiện tại với Ấn Độ là phải chuyển đổi sang nới lỏng các biện pháp phong tỏa và khởi động lại nền kinh tế càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 để tiến tới miễn dịch cộng đồng cũng sẽ là yếu tố quyết định tới khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này./.