Hôm qua (26/8), bạo lực tiếp tục nổ ra tại các cuộc biểu tình ở thành phố Kenosha thuộc bang Wisconsin của Mỹ làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Vụ việc dường như đang tái diễn kịch bản của vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Minneapolis hồi tháng 5 khiến nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ nhằm kêu gọi công lý cho người da màu và chống nạn phân biệt chủng tộc.

bieu_tinh_my_IPAJ.jpg
Người biểu tình xuống đường phản đối vụ cảnh sát nổ súng vào người da màu. Ảnh: Wisconsin State Journal.

Cảnh sát cho biết đã bắt giữ một đối tượng là nam thanh niên 17 tuổi bị cáo buộc bắn chết 2 người tại các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát tại thành phố Kenosha, bang Wisconsin của Mỹ.

Hiện chính quyền thành phố Kenosha đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau cho đến ngày 30/8 với hi vọng vãn hồi trật tự ở thành phố.

Thị trưởng thành phố Kenosha John Antaramian nói:"Điều tôi muốn nói với bạn hôm nay đó là không thể chấp nhận được bạo lục trong cộng đồng. Phá hoại tài sản, sử dụng vũ lực với con người là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ đảm bảo để điều đó không tiếp diễn nữa”.

Cùng ngày, Tổng thống Trump cho biết sẽ triển khai lực lượng hành pháp liên bang và vệ binh quốc gia tới Kenosha để "vãn hồi luật pháp và trật tự" tại đây. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết, giới chức Nhà Trắng đã điện đàm với Thống đốc bang Wisconsin là Tony Evers và ông này đã đồng ý để lực lượng liên bang hỗ trợ đối phó các cuộc biểu tình biến thành bạo động.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã cử hơn 200 đặc vụ liên bang từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và  Sở cảnh sát Mỹ tới Kenosha.

Trước đó, Thống đốc bang Wisconsin đã kích hoạt lực lượng vệ binh quốc gia và có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của lực lượng này nhằm đảm bảo các cá nhân có thể thực hiện quyền của mình một cách an toàn, bảo vệ các tòa nhà và cơ sở hạ tầng quan trọng của bang, đồng thời hỗ trợ những người ứng cứu đầu tiên và lính cứu hỏa.

Làn sóng biểu tình tại thành phố Kenosha nổ ra sau khi cảnh sát thành phố đã nổ súng vào một người đàn ông da đen tên là Jacob Blake dù người này không có ý định tấn công cảnh sát. Blếch bị cảnh sát bắn 7 phát súng vào lưng ngay trước mặt 3 đứa con của mình. Dù may mắn thoát chết, nhưng các bác sĩ cho biết Jacob Blake có khả năng bị liệt suốt đời.

Cũng giống như vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Minneapolis hồi tháng 5, rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trong mấy ngày qua trên khắp nước Mỹ nhằm kêu gọi công lý cho người da màu và chống nạn phân biệt chủng tộc sau vụ việc với Jacob Blake.

Hiện vụ việc không chỉ đơn thuần được nhìn nhận là một vụ án mà nó có thể tác động đến ý kiến cử tri, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này đang tới gần. Trong bài diễn văn vào tối qua tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã dùng tình trạng hỗn loạn do các cuộc biểu tình gây ra để lập luận rằng, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đang dung túng cho tình trạng xem thường pháp luật. Ông Mike Pence cũng công kích ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, đã “thiên vị ngầm” đối với những người thiểu số và “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống” tại Mỹ./.