Tức giận trong sự cùng quẫn, khoảng 50 người nhập cư từ Afghanistan, Pakistan và Iran đã ném đá vào trụ sở cảnh sát của đảo Kos.
Khung cảnh hỗn loạn này làm dấy lên những lo ngại về cách giải quyết chậm chạp của Chính phủ Hy Lạp nói riêng và các nước châu Âu nói chung trước cuộc khủng hoảng người nhập cư trầm trọng nhất tại “lục địa già” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Người nhập cư Syria đặt chân lên đảo Kos, Hy Lạp. Ảnh Guardian |
Khu trại tạm cho người nhập cư trên đảo Kos của Hy Lạp hiện do tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) điều hành. Tại đây có những cơ sở vật chất cơ bản như nệm, nhà vệ sinh di động. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết, họ đang phải vật lộn để đáp ứng số người nhập cư ngày một tăng nhanh.
Từ đảo Kos có thể nhìn thấy bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, nơi đây đã trở thành tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khi hàng trăm con thuyền cao su chở người nhập cư cập bến mỗi ngày.
Thiếu nước và lương thực, những người nhập cư chen chúc trong cái nóng thiêu đốt giữa mùa hè dưới những căn lều tạm hay đôi khi chỉ là những hộp carton.
Một người nhập cư từ Pakistan chia sẻ: “Tôi đã ở đây 7 ngày và bạn tôi đã ở đây 20 ngày nhưng không có thức ăn, không có nước, những thứ khác cũng không. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm”.
Với nguồn lực ít ỏi cùng với gánh nặng nợ hiện nay, chính quyền Hy Lạp không thể nào hỗ trợ thức ăn, phúc lợi và kiểm soát an ninh cho lượng người khổng lồ này.
Điều phối viên chiến dịch viện trợ của Tổ chức Bác sỹ không biên giới trên đảo Kos, cô Julia Kourafa cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị chính quyền giúp đỡ bằng việc cung cấp thêm không gian cho chúng tôi hoạt động. Hiện chúng tôi vẫn đơn độc.
Chúng tôi không thể hoạt động và không thể giữ chân họ ở đây đến 20 ngày mà vẫn đủ viện trợ. Đến thời điểm này chúng tôi không thể cung cấp thêm sự giúp đỡ nữa vì có quá nhiều người nhập cư”.
Chính quyền đảo Kos đang triển khai xử lý và thu xếp chỗ ở tạm cho những người Syria cập bến vào đây vì coi họ là những người tị nạn đang chạy trốn chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, công dân những nước khác như Pakistan, Iraq và các nước châu Phi vẫn được coi là người nhập cư nên thứ tự ưu tiên và xử lý thủ tục sẽ khác.
Hy Lạp là nơi cập bến phổ biến nhất của mọi chuyến tàu vận chuyển người nhập cư qua Địa Trung Hải. Ngày 14/8, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ vì nước này không thể tiếp nhận nổi hơn 1.000 người tị nạn mỗi ngày.
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 100.000 người tị nạn và người nhập cư đã đến Hy Lạp. Con số này ở Italy là khoảng 80.000 - 90.000 người.
Hy Lạp và Italy là 2 điểm nóng của cuộc khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu. Thế nhưng cuộc khủng hoảng này không thể được giải quyết triệt để nếu như chỉ dựa vào các tình nguyện viên và nguồn lực của hai quốc gia có nền kinh tế bị tổn thương và nợ nần nhiều nhất, nhì châu lục.
Tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu cũng hứa hẹn sẽ nhận thêm 40.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italy trong thời gian hai năm tới, một con số chẳng thấm vào đâu so với gần 200.000 người tị nạn đang “ùn ứ” tại hai quốc gia này.
Theo số liệu phân tích của Liên Hợp Quốc, nếu tính thêm cả những người nhập cư đến từ Darfur, Iraq, Somali và Nigeria, tổng số người đủ điều kiện được xem xét cho tị nạn chính trị chiếm đến gần 70% tổng số người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay.
Thế nhưng, đến nay Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa thể nào thống nhất về việc san sẻ gánh nặng này. Càng chậm giải quyết cuộc khủng hoảng này, châu Âu sẽ càng nuôi lớn nguy cơ bất ổn ở biên giới với hàng trăm nghìn người nhập cư đã bị bần cùng hóa và không còn gì để mất./.