Theo thống kê mới nhất, tính đến tối ngày 1/5, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,9 độ richter tại Nepal đã lên đến 6.254 người, số người bị thương là 14.000 người. Tuy nhiên, chính phủ Nepal đã thừa nhận, họ đang bối rối, lúng túng trước sự tàn phá khủng khiếp của trận động đất mạnh nhất nước này trong 80 năm qua, dẫn đến sự chậm trễ trong công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thảm hoạ.
Tình trạng thiếu lương thực và nước uống ở Nepal đang ngày càng trầm trọng khi việc cung cấp lương thực và nước uống được thực hiện chậm chạp, rời rạc khiến những người sống sót sau thảm hoạ động đất càng thêm tuyệt vọng. Sindhupal là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 2.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, người dân nơi đây hiện chỉ trông chờ vào những chuyến hàng cứu trợ từ trực thăng.
Một cư dân của Sindhupal cho biết: “Huyện này bị tàn phá nặng nề. Hầu như tất cả các tòa nhà đều bị phá hủy và người dân gần như đều bị mất nhà cửa. Hiện họ không còn nơi nào để sống”.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều con đường đến vùng Gorkha cũng bị hư hại. Nhân viên Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, hàng cứu trợ từ bên ngoài đến một số khu vực chỉ có thể vận chuyển bằng máy bay.
Một người dân tại Gorkha nói: “Nhà cửa chúng tôi đều bị phá hủy. Tất cả quần áo và thực phẩm bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Người thân đều không thể đến giúp đỡ chúng tôi bởi các con đường đã bị phá hủy. Hoàn cảnh của chúng tôi hiệu tại rất khó khăn. Tôi không biết ngày mai chúng tôi sẽ sống ra sao nữa”.
Các quan chức Nepal thừa nhận, họ đã phạm sai lầm trong phản ứng ban đầu, khi không thể tiếp cận được những người còn sống sót bị mắc kẹt và cung cấp hàng viện trợ đến những ngôi làng xa xôi tại khu vực động đất.
Theo một số chuyên gia, chính phủ cần nhanh chóng triển khai đưa các mặt hàng cứu trợ như thức ăn, nước uống, thuốc thang, lều trại, chăn màn đến với 1,4 triệu người đang sống tại các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất gần tâm chấn. Những nhà vệ sinh và chuồng trại gia súc bị sập cần được xây dựng lại ngay lập tức để tránh tình trạng ô nhiễm. Về lâu dài, người dân Nepal vẫn cần rất nhiều nguồn hỗ trợ để có thể khôi phục cuộc sống.
Trong khi lực lượng cứu hộ gặp khó khăn để tiếp cận hiện trường thì cơ quan y tế Nepal lại phải đối mặt với việc xử lý hàng trăm thi thể đang phân hủy nặng cùng với tình trạng thiếu thuốc men.
Bác sỹ Bullan Thapa-làm việc tại bệnh viện Bia (Bir) tại thủ đô Kathmandu cho biết: "Chúng tôi gặp vô vàn thách thức. Hiện chúng tôi cần là công tác hậu cần phải được triển khai nhanh chóng. Hậu cần có nghĩa là các thiết bị y tế, quần áo và những đồ y tế dùng một lần cần nhanh chóng được cung cấp. Chúng tôi cũng cần rất nhiều loại thuốc kháng sinh. Đó là những gì mà hiện nay chúng tôi đang còn thiếu”.
Hiện chính phủ Nepal đang kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Dự kiến, nước láng giềng Trung Quốc sẽ gửi thêm máy bay trực thăng đến khu vực để tiếp tục công tác tìm kiếm và cứu hộ.
Theo thống kê sau trận động đất tại Nepal, có 600.000 ngôi nhà bị sập, 29.500 ngôi nhà hư hỏng, hàng ngàn người lâm vào cảnh không nhà cửa, phải sống tập trung trong các căn lều tạm. Tuy nhiên số lều bạt mà các trung tâm cứu trợ tiếp nhận được những ngày qua chỉ như “muối bỏ biển”, vỏn vẹn có 50.000 tấm bạt nhựa.
Nhiều người Nepal vẫn trong cảnh màn trời chiếu đất kể từ khi động đất xảy ra. Theo Liên Hợp Quốc, trận động đất kinh hoàng này đã ảnh hưởng tới 8 triệu người, với ít nhất 2 triệu người đang cần lều bạt, nước sạch, thực phẩm và thuốc men trong vòng 3 tháng tới./.